Phát biểu với báo giới, trợ lý Quốc vụ khanh về Y tế Antonio Lacerda Sales cho biết: "Chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch của mình cho phù hợp với thực tế, phụ thuộc vào kế hoạch cung cấp vaccine". Theo quan chức trên, sự thay đổi này sẽ giúp đạt mục tiêu là tiêm phòng cho thêm 100.000 người vào cuối tháng 3. Đến nay, 35% người trên 80 tuổi và 70% nhân viên y tế của Bồ Đào Nha đã được tiêm liều đầu tiên.
* Tại Mỹ, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Anthony Fauci cho rằng Mỹ phải quyết tâm với chiến lược tiêm phòng đủ 2 liều vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna. Trả lời phỏng vấn của tờ The Washington Post, ông Fauci cảnh báo việc trì hoãn liều tiêm thứ hai sẽ đặt ra nhiều nguy cơ, làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine, tạo điều kiện cho các biến thể lây lan và có thể làm gia tăng sự hoài nghi của người dân vốn đang do dự trong việc tiêm vaccine.
Ông Fauci cho biết đã trao đổi với giới chức y tế ở Anh, nơi đang cân nhắc hoãn tiêm liều thứ hai để có thể nhanh chóng tiêm phòng cho nhiều người nhất. Ông khẳng định chiến lược này sẽ không có ý nghĩa tại Mỹ, đồng thời nhấn mạnh xét về mặt khoa học, không thể hoãn tiêm liều thứ hai đối với các vaccine nói trên. Ông viện dẫn nghiên cứu cho thấy chế độ tiêm hai liều tạo ra miễn dịch giúp ngăn chặn các biến thể của virus vốn có khả năng lây lan nhanh hơn, trong khi một liều duy nhất có thể khiến người Mỹ đứng trước nguy cơ nhiễm các loại biến thể như loại được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi.
Ông khuyến khích người Mỹ nên chấp nhận tiêm bất kỳ loại nào trong ba loại vaccine đã được được cấp phép, gồm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và vaccine một liều duy nhất của hãng Johnson & Johnson, vừa được Mỹ cấp phép ngày 27/3 vừa qua.