Giới phân tích nhận định, chính phủ trung hữu Bồ Đào Nha sau một năm nắm quyền (21/6/2011) đã cải thiện được tình hình tài chính công, nhưng tình trạng suy thoái sâu cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng có thể làm ảnh hưởng đến kế hoạch cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm bảo đảm quá trình phục hồi kinh tế và sự ổn định tài chính ở nước này.
Nhà kinh tế Paulo Reis thuộc Trường đại học Minho cho biết các biện pháp ngân sách khắc khổ chưa từng có đang mang lại những thành công, cho dù các mối đe dọa xã hội và thất nghiệp cũng trở nên rõ ràng. Theo nhà kinh tế Rey, Bồ Đào Nha có thể không còn phải vay các khoản vay dài hạn trên các thị trường mà có thể chuyển sang những khoản vay ngắn hạn để có được lãi suất ổn định.
Ngay sau khi nắm quyền, Chính phủ của Thủ tướng Pedro Passos Coelho đã bắt đầu thực hiện kế hoạch "thắt lưng buộc bụng", trong đó có việc tăng thuế, cắt giảm phúc lợi, bán các công ty quốc doanh, cải cách thị trường lao động ... để đổi lấy gói cứu trợ 78 tỷ euro (99 tỷ USD) của EU-IMF. Thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha đã giảm từ 9,8% GDP năm 2010 xuống 4,2% GDP năm 2011, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,9% GDP trước đó.
Thủ tướng Côehô gần đây đã khẳng định Bồ Đào Nha đã có được những đánh giá tốt của EU, IMF cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - "bộ ba" các nhà cho vay luôn theo dõi sát sao tình hình tài chính của Lixbon. Tình hình kinh tế của Bồ Đào Nha không còn xuất hiện trên các mặt báo mà thay vào đó là "tấm gương" vượt qua tình trạng phá sản.
Tuy nhiên, các biện pháp khắc khổ đã đẩy đất nước vào suy thoái với GDP dự kiến giảm 3% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới mức đỉnh 16% trong năm tới. Năm ngoái, Bồ Đào Nha đã trở thành nền kinh tế thứ ba trong Khu vực đồng euro (Eurozone), sau Hy Lạp và Ailen phải nhận cứu trợ từ EU-IMF.
TTXVN/Tin