Đây là nhiệm kỳ chủ tịch Hội đồng EU lần thứ tư của Bồ Đào Nha, sau khi Đức đã bàn giao chức chủ tịch luân phiên kéo dài sáu tháng cho Bồ Đào Nha vào đầu năm 2021.
Ông Costa cho biết, đây là một "vinh dự to lớn" và sáu tháng tới sẽ là giai đoạn nước này phải nỗ lực hết sức và làm việc tập trung với sự hợp tác chặt chẽ cùng các tổ chức, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Theo ông, ưu tiên hàng đầu cho nhiệm kỳ chủ tịch của Bồ Đào Nha trước hết là phục hồi kinh tế.
Ông Costa nhấn mạnh rằng, sự phục hồi kinh tế châu Âu sẽ dựa vào tình hình "biến đổi khí hậu" và sự phát triển về mặt kỹ thuật số. Đây không nên được coi là trở ngại, mà là cơ hội cho sự phát triển hơn nữa của các nền kinh tế châu Âu.
Ưu tiên thứ hai sẽ là phát triển "trụ cột xã hội" của EU để thiết lập "một nền tảng vững chắc”, qua đó giúp mọi người có thêm lòng tin khi đối mặt với những thách thức.
Ưu tiên thứ ba là "tăng cường quyền tự chủ chiến lược” của một châu Âu cởi mở với thế giới, một châu Âu hiện diện nhiều hơn trong các chuỗi giá trị khác nhau.
Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh rằng Hội đồng châu Âu sẽ có vai trò "cơ bản" trong việc tiêm chủng vaccine ngừa dịch COVID-19. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm 29/12, hiện có 232 loại vaccine ứng viên vẫn đang được phát triển trên toàn thế giới - 60 trong số đó đang được thử nghiệm lâm sàng - ở các quốc gia bao gồm Đức, Trung Quốc, Nga, Vương quốc Anh và Mỹ.