Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 16/4 tuyên bố Nhóm phụ trách cấm vận và kiểm soát xuất khẩu, vốn hoạt động dưới sự chỉ đạo của Văn phòng không phổ biến và giải trừ quân bị, sẽ được nâng cấp thành một bộ phận mới điều hành việc cấm xuất khẩu và cấm vận.
Nhóm này cũng có thể được nhân đôi số lượng nhân viên hiện nay là 5 người.
Theo bộ trên, việc thành lập bộ phận mới nhằm đáp ứng khối lượng công việc ngày một tăng trong các công tác đẩy mạnh, xem xét cấm vận đối với các dự án liên Triều và hạn chế xuất khẩu ra nước ngoài, trong bối cảnh ngày càng có nhiều tàu biển bị nghi ngờ chuyển dầu trái phép sang các tàu của Triều Tiên.
Bộ này cũng đã mở rộng hai đơn vị phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên thành ba đơn vị. Theo đó, Vụ Đông Bắc Á, vốn phụ trách Trung Quốc và Nhật Bản, sẽ được cải tổ để chỉ tập trung vào Trung Quốc, trong khi Vụ châu Á - Thái Bình Dương mới sẽ phụ trách Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Vụ còn lại sẽ được thành lập để đảm trách 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), qua đó hỗ trợ “Chính sách hướng Nam mới” của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, vốn kêu gọi thúc đẩy mối quan hệ với khu vực này.
Dự kiến Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sẽ hoàn tất quá trình tái cơ cấu này vào đầu tháng 5.
Trong nhiều năm qua, Mỹ và LHQ đã áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Triều Tiên, cấm vận chuyển hoặc bán công nghệ, các mặt hàng cao cấp, nhiên liệu và các thiết bị quân sự cho quốc gia này.
Tháng 9/2017, HĐBA LHQ thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6 diễn ra ngày 3/9 cùng năm, trong đó có các biện pháp cấm cung cấp, bán hoặc vận chuyển tất cả các loại khí ngưng tụ, khí đốt hóa lỏng cho Triều Tiên; cấm xuất khẩu hàng dệt may Triều Tiên (vải và hàng thêu trang trí); cấm các nước cấp mới giấy phép lao động cho công dân Triều Tiên sinh sống ở nước ngoài.
Những biện pháp trên được cho là tác động không nhỏ tới nền kinh tế và đời sống của người dân Triều Tiên. Với mong muốn cộng đồng quốc tế dỡ bỏ những lệnh cấm vận và tạo cơ hội phát triển cho Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong những năm gần đây đã bắt đầu các nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao với Trung Quốc hay với Hàn Quốc và Mỹ.