Ngày 19/1, ba tàu hải giám
Trung Quốc lại tiến vào vùng lãnh hải tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa
Đông mà hai nước lần lượt gọi là Điếu Ngư và Senkaku.
Tàu hải giám Trung Quốc tại vùng biển gần đảo tranh chấp với Nhật Bản ngày 19/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Lực lượng Phòng vệ Bờ
biển Nhật Bản (JCG) cho biết tàu Trung Quốc vào vùng biển nói trên lúc 9h00'
sáng (7h00' sáng ở Việt Nam)
buộc họ phải cử một tàu tới yêu cầu tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển tranh chấp.
Bất chấp yêu cầu của phía Nhật Bản, các tàu Trung Quốc chỉ rời khỏi vùng biển
tranh chấp vào khoảng 13h50'.
Ngay sau vụ việc
trên, Vụ phó Vụ các vấn đề châu Á và châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản,
ông Kanji Yamanouchi, đã chính thức bày tỏ phản đối trong cuộc điện đàm với
Tham tán công sứ Guo Yan của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản.
Đáp lại, quan chức ngoại giao
này cho biết sẽ chuyển lại thông điệp của phía Nhật Bản cho chính phủ Trung
Quốc.
Thời gian qua, Trung Quốc
liên tục cử các tàu hải giám và tàu tuần duyên tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu
Ngư nhằm phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo
này.
Quần đảo này cùng nằm cách
Nhật Bản và Trung Quốc đại lục 200 hải lý, thuộc quyền quản lý của Nhật Bản
nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.
Mỹ hối thúc hai bên giải quyết hòa bình
Trong tuyên bố mới
nhất về tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Hoa Đông, ngày 18/1, Ngoại trưởng Mỹ Hillary
Clinton hối thúc Tokyo
và Bắc Kinh giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình.
Người đứng đầu ngành ngoại
giao Mỹ khẳng định Washington
công nhận quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku và phản đối mọi
hành động đơn phương làm suy yếu sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo
này. Ngoại trưởng Clinton nhấn mạnh lập trường trung lập của Mỹ trong vấn đề
tranh chấp chủ quyền này, song khẳng định không muốn bên nào có các hành động
khiến tình hình trở nên căng thẳng, có thể đe dọa hòa bình, an ninh và tăng
trưởng kinh tế khu vực.
TTXVN/Tin tức