Khói bốc lên từ xung đột tại tỉnh Raqqa (Syria). |
Trước đó, ngày 18/6, hai máy bay F/A-18E Super Hornet của Mỹ đã
bắn hạ chiến đấu cơ Su-22 của Syria đang dội bom xuống các mục tiêu khủng bố ở gần thị trấn Ja’Din, phía Nam thành phố Tabqah, tỉnh Raqqa.
Sau đó một ngày, Nga có phản ứng giận dữ và đưa ra lời cảnh báo “bất kỳ vật thể bay nào bao gồm máy bay và thiết bị bay không người lái của liên minh quốc tế mà bị phát hiện tại phía Đông sông Euphrates đều trở thành mục tiêu của hệ thống phòng không Nga”.
Nga cũng tuyên bố sẽ dừng mọi hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ Bản ghi nhớ chung về ngăn chặn đụng độ trên bầu trời Syria.
Bộ Quốc phòng Nga cho rằng hành động phía liên quân “cố ý vi phạm các điều khoản trong bản ghi nhớ chung về ngăn chặn đụng độ và an toàn hàng không trên bầu trời Syria được ký kết ngày 20/10/2015”.
Theo Đài phát thanh Sputnik, ngay sau cảnh báo trên, Australia – một trong những quốc gia thuộc liên minh chống IS – đã áp đặt lệnh ngừng không kích tại Syria. Tuy nhiên, thời gian áp dụng mới chỉ diễn ra 2 ngày, lệnh ngưng không kích đã bị dỡ bỏ.
Báo The Australian dẫn lời của người phát ngôn thuộc Bộ Quốc phòng Australia đưa tin việc tạm ngưng hoạt động là “một phương pháp phòng ngừa cho phép liên quân ước tính rủi ro hoạt động. Sau đó "lệnh cấm đã bị dỡ bỏ”.
Từ tháng 9/2014, liên minh quốc tế, bao gồm hơn 60 quốc gia phương Tây và Vịnh Arab, quyết định tham chiến, dội bom xuống các vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria mà không hề được sự đồng thuận từ chính quyền Damascus.