“Trong vài tháng qua, chúng ta đã sử dụng các biện pháp đặc biệt và khả năng của chúng ta để làm điều đó đang cạn dần”, nữ Bộ trưởng Yellen trả lời phỏng vấn tờ New York Times khi được hỏi liệu Bộ Tài chính Mỹ có còn dự trữ một số biện pháp đặc biệt khác hay không.
Bà Yellen lưu ý Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể viện dẫn bản sửa đổi Tu chính án 14, qua mặt Quốc hội, nâng mức trần vay để tránh một vụ vỡ nợ trong tương lai gần.
Tu chính án thứ 14 của hiến pháp Mỹ quy định rằng "hiệu lực của khoản nợ công nước này, được pháp luật cho phép, bao gồm các khoản nợ phát sinh để trả lương hưu và tiền thưởng cho các dịch vụ trong việc trấn áp nổi dậy hoặc nổi loạn, không cần phải nghi ngờ”. Điều này cho phép Tổng thống Mỹ giải quyết vấn đề nợ mà không cần phối hợp với Quốc hội Mỹ.
Đầu tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ cho biết chính phủ nước này có thể sẽ bắt đầu vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu không có biện pháp nới trần nợ.
Vào cuối tháng 4, các thành viên của đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã thông qua dự luật tăng trần nợ kèm theo điều kiện. Dự luật nêu rõ các đảng viên Cộng hòa chỉ đồng ý nới trần nợ lên 1.500 tỷ USD vào năm 2024 nếu Nhà Trắng cắt giảm 4.800 tỷ USD chi tiêu liên bang trong vòng 10 năm, chủ yếu là cắt giảm những chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden.
Tuy nhiên, các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện và Tổng thống Mỹ Biden đã bác bỏ đề xuất này, nói rằng nó không có cơ hội trở thành luật. Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy khẳng định việc tăng giới hạn nợ "không có điều kiện ràng buộc" sẽ không được hạ viện thông qua. Thay vào đó, ông sẵn sàng cam kết thông qua việc nới trần nợ nếu Tổng thống Mỹ đạt được một thỏa thuận về mức chi tiêu cho năm tài chính tiếp theo.
Rõ ràng thỏa thuận này sẽ đặt ra những giới hạn đối với mức chi tiêu tùy ý của Mỹ, nhưng không nghiêm ngặt như dự luật mà đảng Cộng hòa vừa mới thông qua.
Dự kiến trong tuần này, Tổng thống Biden gặp ông McCarthy cùng các nhà lãnh đạo Quốc hội khác đến Nhà Trắng để thảo luận về chính sách tài khóa của Mỹ.