Vào ngày 2/2, OPEC+ đã nhất trí mức tăng sản lượng khiêm tốn, do vẫn có những yếu tố không chắc chắn.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, phát biểu tại cuộc họp cho rằng đại dịch và quá trình phục hồi cho các nước thấy được giá trị của sự thận trọng. Ông nói sẽ tiếp tục thận trọng và cho rằng cần linh hoạt trong chiến lược thực hiện với một triển vọng dài hạn.
Cuộc họp còn có sự tham dự của các Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Bahrain, các Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq và Kuwait, cùng với Bộ trưởng Xăng dầu Ai Cập.
OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc đạt mục tiêu sản lượng hiện nay và chịu sức ép từ các nước tiêu thụ nhiều nhất trong việc tăng sản lượng để hạn chế đà tăng mạnh của giá dầu, khi có những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung do căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Trong tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã hối thúc OPEC+ thu hẹp khoảng cách giữa mục tiêu sản lượng và sản lượng thực tế.
Giá dầu thô của Mỹ hiện ở mức khoảng 91 USD/thùng sau khi tăng 40% kể từ ngày 1/12 và đầu tuần trước ở mức cao nhất kể từ năm 2014. Giá dầu Brent cũng tăng mạnh lên gần mức kỷ lục 7 năm.
Bộ trưởng Năng lượng UAE, Suhail al-Mazrouei, đã nói OPEC+ luôn cân đối cung cầu và giá tăng mạnh là do những căng thẳng địa chính trị.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, Ihsan Abdul Jabbar, cho rằng, vì lợi ích của toàn bộ thị trường năng lượng, OPEC+ cần tiếp tục thực hiện thỏa thuận hiện nay.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait, Mohammed al-Fares, thì nói OPEC+ rất nhạy cảm trước những phản ứng của thị trường.