Theo báo Bưu điện Bangkok, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), cuộc họp đã diễn ra vào lúc 15 giờ theo hình thức trực tuyến và dự kiến kéo dài 2 giờ.
Cuộc họp đặc biệt này có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Philippines, Indonesia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Brunei, Campuchia và ông Wunna Maung Lwin, Ngoại trưởng do chính quyền quân sự Myanmar bổ nhiệm.
Đây là cuộc họp đầu tiên của các quan chức ASEAN liên quan tới tình hình bất ổn ở Myanmar sau cuộc chính biến ngày 1/2. Cuộc họp cũng diễn ra 2 ngày sau khi Myanmar chứng kiến ngày biểu tình leo thang nhất kể từ đầu đầu tháng hai tới nay, khi có tới 18 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình tại các thành phố của nước này.
Tại cuộc họp, các quan chức ngoại giao hàng đầu của ASEAN đã kêu gọi các bên liên quan tại Myanmar xúc tiến đối thoại để giải quyết bất ổn chính trị hiện nay và trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Myanmar và là lãnh đạo đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD).
Trước khi cuộc họp diễn ra, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan sáng cùng ngày cho biết các nước Đông Nam Á "sẽ thẳng thắn và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của đại diện quân đội Myanmar", đồng thời nhấn mạnh "bất ổn ở bất kỳ nơi nào tại Đông Nam Á đều đe dọa và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta".
Ông Balakrishnan cũng cho hay "dù nguyên tắc cốt lõi của ASEAN là đồng thuận và không can thiệp, song ASEAN vẫn có thể đóng một vai trò mang tính xây dựng để giúp tình hình ở Myanmar bình thường trở lại và ổn định".
Hồi đầu tháng 2 vừa qua, ASEAN đã lên tiếng kêu gọi Myanmar theo đuổi "đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường" sau khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến và lên nắm quyền ở nước này.
Tuyên bố của ASEAN nêu rõ "Chúng tôi nhắc lại rằng sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng". Quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính, cũng như cáo buộc làn sóng biểu tình trong nước hiện nay có hành vi bạo lực.
Trước những diễn biến căng thẳng ở Myanamr, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại. Hôm 28/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về các cuộc đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình Myanmar, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng yêu cầu chấm dứt bạo lực.
Người phát ngôn của TTK LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký Guterres khẳng định việc sử dụng vũ khí sát thương là không chấp nhận được. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy sát cánh và truyền đi một thông điệp rõ ràng yêu cầu chấm dứt bạo lực tại Myanmar.
Trong phản ứng cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo áp đặt trừng phạt Myanmar. Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell xác nhận rằng khối này sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar.
Trước đó, quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính, cũng như cáo buộc làn sóng biểu tình trong nước hiện nay có hành vi bạo lực.