Tại cuộc họp ngày 26/2 với truyền thông địa phương, ông Shin Won-sik cho biết, các container có thể chở hơn 3 triệu quả đạn pháo 152 mm, hoặc 500.000 quả loại 122 mm. “Có thể là cả hai loại đạn và ta có thể nói rằng ít nhất vài triệu quả đạn pháo đã được gửi đi”, ông Shin Won-sik nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết thêm rằng, hàng trăm nhà máy sản xuất đạn dược của Triều Tiên đang hoạt động ở mức khoảng 30% công suất, do thiếu nguyên liệu thô và điện, nhưng những nhà máy sản xuất đạn pháo cho Nga thì vẫn đang hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, quan chức này không nói rõ lấy thông tin trên ở đâu.
Trước đó, trong một thông tin công bố hôm 24/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng, Triều Tiên đã giao hơn 10.000 container đạn dược hoặc các vật liệu liên quan cho Nga kể từ tháng 9/2023. Đổi lại, Triều Tiên đã nhận được khoảng 9.000 container chủ yếu chứa thực phẩm.
Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, họ không xác nhận được con số này, nhưng dẫn lời Bộ trưởng Shin Won-sik nói rằng kể từ tháng 7/2023, Nga đã gửi số container cho Triều Tiên nhiều hơn gần 30% so với số container mà Triều Tiên đã gửi đi.
Theo ông Shin Won-sik, Triều Tiên có thể phóng một vệ tinh khác vào đầu tháng tới, khi Nga tiếp tục cung cấp viện trợ kỹ thuật và Triều Tiên cũng đề nghị được Nga hỗ trợ về máy bay và công nghệ thiết bị di động mặt đất. Ông nói: “Không rõ Nga sẽ viện trợ bao nhiêu, nhưng Nga càng phụ thuộc vào đạn pháo của Triều Tiên thì mức độ chuyển giao công nghệ của Nga sẽ càng lớn”.
Trước đó, ngày 22/2, Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) cho biết, họ đã xác định được rằng Nga sử dụng tên lửa Triều Tiên trong một số cuộc tấn công vào Ukraine. Tuyên bố của SBU nêu rõ: "Theo điều tra, quân đội Nga đã sử dụng hơn 20 vũ khí của Triều Tiên ở Ukraine". Theo SBU, vũ khí đó là tên lửa đạn đạo Hwasong-11.
Về cáo buộc này, Triều Tiên và Nga chính thức lên tiếng. Cụ thể, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song đã bác cáo buộc cho rằng Moskva sử dụng tên lửa của Bình Nhưỡng để tấn công Ukraine và gọi đây là “cáo buộc vô căn cứ”.
Theo hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên, Đại sứ Kim Song đã đưa ra tuyên bố trên sau khi các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc lên án việc chuyển giao vũ khí giữa Triều Tiên và Nga là vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an trong phiên họp ngày 10/1.
Ông Kim Song cáo buộc Mỹ bất hợp pháp hóa mối quan hệ hợp pháp giữa các quốc gia có chủ quyền độc lập và nhấn mạnh Triều Tiên không cảm thấy cần phải bình luận về mọi cáo buộc vô căn cứ của Mỹ.
“Mỹ đã lôi kéo Triều Tiên vào vấn đề không liên quan đến việc thảo luận các nội dung trong chương trình nghị sự. Đây là phản ánh sâu sắc về tình cảnh khó khăn của họ, cho thấy họ không có đủ sức mạnh và phương tiện trong cuộc đối đầu chiến lược với Nga”, ông Kim Song nói.
Đầu tháng 1, Nhà Trắng cáo buộc Bình Nhưỡng đã cung cấp cho Moskva hàng chục tên lửa đạn đạo, một số trong số đó được sử dụng để tấn công các mục tiêu của Ukraine vào ngày 30/12/2023, cũng như ngày 2 và 6/1.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc phụ trách các vấn đề liên Triều cũng chỉ trích tuyên bố của đại sứ Triều Tiên và nhắc lại rằng các giao dịch vũ khí này là bất hợp pháp.
Trong bối cảnh đó, tại phiên họp của Hội đồng Bảo an về việc duy trì hòa bình ở Ukraine hôm 10/1, Đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc Vasily Nebenzya đã lên tiếng chỉ trích Mỹ dường như đang tuyên truyền những thông tin sai về việc Nga sử dụng tên lửa do Triều Tiên chế tạo để tấn công Ukraine.
Đại sứ Nebenzya nói: “Hôm nay, các thành viên phương Tây tại Hội đồng Bảo an đã lặp lại ‘sự thật’ rằng quân đội Nga đang sử dụng tên lửa của Triều Tiên trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đồng thời dẫn lời của một đại diện của Không quân Ukraine từ chối xác nhận bằng chứng về ‘sự thật’ này. Vì vậy, Mỹ dường như đang tuyên truyền những thông tin sai mà không thông qua kiểm tra”.
Sau những cáo buộc đó, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ba thực thể và một cá nhân của Nga vì liên quan đến việc chuyển và thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên để chống Ukraine.