Phát biểu tại sự kiện do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tổ chức ở Singapore, Bộ trưởng Austin chỉ trích các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông nêu rõ: “Tuyên bố của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông là không hề có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Các yêu sách này còn chà đạp chủ quyền của các quốc gia trong khu vực”. Bộ trưởng Austin bổ sung rằng Mỹ sẽ hỗ trợ các quốc gia trong bảo vệ chủ quyền của họ.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) nhận định chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn thiết lập lại quan hệ với các nước châu Á và xây dựng liên minh để đối trọng với Bắc Kinh.
Cùng ngày 27/7, Bộ trưởng Austin nói rằng Mỹ "sẽ không nao núng khi lợi ích bị đe dọa". Ông cũng khẳng định Washington không "tìm cách đối đầu" với Bắc Kinh. Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh:"Tôi cam kết theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với Trung Quốc, bao gồm cả việc tăng trường liên lạc chống khủng hoảng với quân đội Trung Quốc".
Theo lịch trình, sau chuyến thăm Singapore, Bộ trưởng Austin sẽ đến Việt Nam và Philippines.
Cùng ngày 27/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến thăm Ấn Độ. Ông sẽ trao đổi với các lãnh đạo cấp cao Ấn Độ về việc hỗ trợ Afghanistan. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng đã đến thăm Trung Quốc trong tuần này, hội đàm với các quan chức hàng đầu của Bắc Kinh.
Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”. Theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 11/7 cho rằng Trung Quốc đang “đe dọa tự do hàng hải” ở Biển Đông. Ngoại trưởng Blinken viết: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của nước này với luật pháp quốc tế, ngừng lối hành xử gây hấn, đồng thời có những bước đi nhằm bảo đảm với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc tôn trọng trật tự hàng hải dựa trên luật pháp, tôn trọng các quyền của mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ”.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".