Sự sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) hồi tháng trước đã gây ra sự hỗn loạn trong ngành này, khiến các nhà chức trách Mỹ, bao gồm cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), phải vào cuộc để ngăn chặn nguy cơ xảy ra "hội chứng domino".
Tuy tình hình hiện đã lắng dịu, nhưng giới phân tích cảnh báo hậu quả của những bất ổn gần đây vẫn có thể kéo dài, khi các ngân hàng siết chặt tiêu chuẩn cho vay, giảm tín dụng khả dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Mặc dù vậy trong một phát biểu với báo giới ngày 6/4, Bộ trưởng Yellen tự tin khẳng định: "Tôi tiếp tục dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và lạm phát sẽ giảm".
Nhận định trên của bà được đưa ra sau khi Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan Chase - ông Jamie Dimon - cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng hiện tại vẫn chưa kết thúc và sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới. Ông cũng lưu ý tình hình hiện nay không giống như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Khi được hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Yellen cam kết đảm bảo rằng tất cả các khoản tiền gửi đều an toàn dưới sự giám sát của hệ thống ngân hàng. Bà nêu rõ các cơ quan chức năng "sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ khi cần thiết cho mọi tổ chức để đảm bảo hệ thống an toàn và lành mạnh".
Sau sự sụp đổ của ngân hàng SVB, nhà chức trách Mỹ đã vạch ra các kế hoạch nhằm đảm bảo khách hàng có thể truy cập tiền gửi của họ. Một ngoại lệ tương tự cũng đã được công bố đối với ngân hàng SB. FED và các ngân hàng trung ương lớn khác sau đó đã nỗ lực phối hợp nhằm thúc đẩy khả năng thanh khoản của các ngân hàng.
Bộ trưởng Yellen khẳng định hệ thống ngân hàng tại Mỹ có nguồn vốn và thanh khoản mạnh mẽ. Bà nhấn mạnh: "Hệ thống ngân hàng của chúng tôi hoạt động tốt và linh hoạt. Chúng tôi đang hành động để củng cố điều đó và để đảm bảo niềm tin của công chúng".