Trong một tuyên bố, bà Yellen cho biết việc tăng trần nợ công sẽ không những giúp tăng chi tiêu của chính phủ hoặc thông qua các khoản chi trong tương lai, mà còn cho phép Bộ Tài chính cấp kinh phí cho các hoạt động được Quốc hội thông qua trước đó. Bộ trưởng Yellen cảnh báo việc không tăng trần nợ công sẽ gây ra tổn hại “không thể khắc phục được” đối với nền kinh tế Mỹ và sinh kế của toàn bộ người dân nước này.
Năm 2019, Quốc hội Mỹ đã đình chỉ việc áp dụng mức trần nợ công trong vòng 2 năm và quyết định này hết hiệu lực vào ngày 31/7 vừa qua. Điều đó đồng nghĩa Bộ Tài chính Mỹ không thể huy động tiền mặt từ việc bán trái phiếu chính phủ, do vậy bộ đã phải thực thi “các biện pháp bất thường” nhằm duy trì nợ dưới mức trần cũng như tiếp tục cấp tiền cho các hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế tư nhân cho rằng các biện pháp này sẽ chỉ giúp duy trì việc bán trái phiếu chính phủ trong vài tuần, sau đó sẽ gặp khó khăn về việc trả nợ nếu không tăng hoặc đình chỉ mức trần nợ công.
Thống kê cho thấy nợ công và thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng vọt trong đại dịch COVID-19 sau khi nước này thông qua 3 dự luật chi tiêu khổng lồ nhằm giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với kinh tế. Theo Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ (CBO), nợ công tính đến tháng 6/2020 là 28.500 tỷ USD và thâm hụt trong năm 2021 ước tính sẽ lên tới 3.000 tỷ USD, chỉ thấp hơn mức thâm hụt kỷ lục trong năm 2020. Theo CBO, Bộ Tài chính chỉ có thể trang trải kinh phí cho đến tháng 10 hoặc tháng 11, sau thời điểm đó có thể phải hoãn thanh toán hoặc vỡ nợ, kéo theo hỗn loạn về kinh tế.
Trong bức thư trước đó gửi tới Quốc hội đầu tháng 7 vừa qua, bà Yellen cho rằng phần lớn khoản nợ đã dồn lại từ trước thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, hối thúc Quốc hội nên hành động như trước đây “nhằm bảo vệ niềm tin và sự tín nhiệm của Mỹ”, và gọi đây là “trách nhiệm chung”.
Tuần trước, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng phe Dân chủ nên có hành động riêng để giải quyết vấn đề trần nợ công.