“Chúng tôi không hoan nghênh những vị khách như vậy”, Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul trả lời phóng viên khi được hỏi về việc du khách nước ngoài sử dụng cần sa cho mục đích giải trí.
Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa sử dụng cần sa trong nghiên cứu y khoa vào năm 2018. Tiếp đến, từ ngày 9/6/2022, Thái Lan hợp pháp hóa toàn bộ cây cần sa và quy định có thể sử dụng một lượng vừa phải chất có trong cây cần sa cho đồ ăn, thức uống.
Động thái này là bước đi mới nhất trong kế hoạch của Chính phủ Thái Lan nhằm biến cây cần sa thành cây hoa màu. Theo Ngân hàng Thế giới, 1/3 lực lượng lao động nước này hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bất chấp cam kết của chính phủ phản đối việc dùng cần sa để thỏa mãn yêu cầu cá nhân, tăng cảm giác hưng phấn, thư thái, ngành kinh doanh cần sa với những phòng hút đặc biệt vẫn thu hút du khách quốc tế và người dân địa phương.
Theo luật pháp Thái Lan, những người hút cần sa tại nơi công cộng có nguy cơ đối mặt với an tù 3 tháng hay phạt tiền lên tới 25.000 baht (16 triệu đồng).
Phát biểu của Bộ trưởng Anutin được đưa ra trong bối cảnh Thái Lan đang đón trở lại du khách nước ngoài. Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á dự kiến đón từ 8 triệu đến 10 triệu lượt khách trong năm nay, cao hơn mức dự báo trước đó là 7 triệu.
Năm ngoái, đại dịch đã khiến lượng khách nước ngoài tới đây giảm xuống chỉ còn 428.000, so với mức kỷ lục gần 40 triệu vào năm 2019.
Thái Lan đã tập trung chính sách cho ngành công nghiệp cần sa trị giá 28 tỷ baht được xây dựng dựa trên các lợi ích y tế và sức khỏe của nước này.
Ngoài Thái Lan, một số nước láng giềng trong khu vực như Malaysia cũng đang nghiên cứu việc sử dụng cần sa cho mục đích y tế.