Trước đó, cùng ngày, kênh truyền hinh NDTV và CNBC-TV18 (Ấn Độ) đưa tin Tổ chức Kiểm soát chất lượng an toàn dược phẩm trung ương (CDSCO) của Ấn Độ vẫn tìm kiếm các dữ liệu bổ sung từ các hãng dược phẩm sau khi xem xét kiến nghị cấp phép lưu hành được nộp lên trong tuần này. Theo NDTV, cả hai kiến nghị cấp phép đều không được thông qua do không đủ dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm.
Bộ Y tế Ấn Độ đã thông tin bác bỏ thông tin trên.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin liên quan trực tiếp cho biết "còn quá sớm" để nói về có hay không việc bác kiến nghị cấp phép lưu hành vaccine.
Một nguồn tin khác cho biết CDSCO chỉ muốn có thêm dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm trước khi đưa ra quyết định. Nguồn tin này nhấn mạnh đây là một phần của quy trình cấp phép.
Trước đó, ngày 8/12, Chính phủ Ấn Độ thông báo một số loại vaccine tiềm năng có khả năng được cấp phép sử dụng trong vài tuần tới.
Vaccine Covishield do hãng dược phẩm AstraZeneca (Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) phối hợp bào chế là loại vaccine thứ 3 thu được kết quả thử nghiệm khả quan sau các vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna. Ưu điểm của loại vaccine này là có thể vận chuyển dễ dàng với nhiệt độ máy lạnh thông thường, tiện lợi hơn vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna cần phải được bảo quản trong điều kiện cực lạnh. Do đó, vaccine này có vai trò quan trọng trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 tại các nước đang phát triển. AstraZeneca thông báo kế hoạch sản xuất tối đa 3 tỷ liều vaccine trong năm 2021 nếu vaccine được giới chức quản lý cấp phép.
Hiện tại có 5 loại vaccine ngừa COVID-19 triển vọng đang được phát triển tại Ấn Độ. Viện Serum của Ấn Độ (SII) - Nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hiện là đối tác của hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford trong sản xuất vaccine Covishield.