Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết bộ này ước tính chỉ 40% phụ nữ mang thai trong nước đã đăng ký tiêm chủng thông qua phần mềm ứng dụng MySejahtera trên điện thoại thông minh, đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ này vẫn thấp, do đó nhiều phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp hằng ngày về tình hình COVID-19, ông Noor khuyến nghị phụ nữ mang thai hoàn thành việc tiêm phòng trước khi bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Malaysia đã ghi nhận 70 trường hợp phụ nữ mang thai tử vong do COVID-19. Trong đó, 17 trường hợp tử vong trong tháng 6 vừa qua khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh và trong số này có 15 trường hợp chưa tiêm chủng và 2 trường hợp còn lại mới chỉ tiêm một mũi.
Theo số liệu của Bộ Y tế Malaysia, từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2021 có tổng cộng 3.396 phụ nữ mang thai đã mắc COVID-19. Bộ này nhấn mạnh đây là vấn đề rất nghiêm trọng và xếp nhóm đối tượng này vào nhóm nguy cơ cao lây nhiễm, cùng với nhóm người cao tuổi và người có bệnh lý nền.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm COVID nặng và cần phải nhập viện điều trị theo tiêu chuẩn chăm sóc đặc biệt và tỷ lệ sử dụng máy thở cao hơn so với phụ nữ không mang thai.
Nhà chức trách Mỹ ngày 11/8 cũng đã kêu gọi phụ nữ mang thai đi tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời khẳng định dữ liệu cho thấy tiêm vaccine không làm tăng nguy cơ sảy thai. Ông Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho biết cơ quan này “khuyến khích phụ nữ mang thai hoặc những người có ý định mang thai và người đang cho con bú đi tiêm vaccine để bảo vệ mình khỏi COVID-19”.
Người đứng đầu CDC Mỹ khẳng định vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường tiêm chủng trong bối cảnh biến thể Delta dễ lây lan hơn đang hoành hoành và những phụ nữ mang thai chưa tiêm vaccine mắc COVID-19 nặng.