Cuộc hội đàm giữa Boeing, nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ với Bộ Tài chính Mỹ, nơi đang quản lý gói viện trợ khẩn cấp trị giá 2.200 tỷ USD, có thể bắt đầu vào cuối tháng 4/2020.
Boeing đang muốn được hỗ trợ lên tới 60 tỷ USD từ Chính phủ liên bang cho chính mình cùng 17.000 nhà cung cấp linh kiện và nhà thầu trong chuỗi cung ứng của hãng. Theo “gã khổng lồ” trong ngành hàng không vũ trụ Mỹ, các bộ phận này hiện đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động.
Khoảng 17 tỷ USD dành cho Boeing đã được đưa vào dự luật cứu trợ liên bang được phê duyệt vào hồi tháng 3/2020. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, hãng này đang nợ 27,3 tỷ USD sau khi hoàn tất việc mua bộ phận sản xuất máy bay thương mại của Embraer (Brazil).
Ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa kêu gọi sự hỗ trợ lớn dành cho Boeing, cho rằng “không thể để chuyện gì xảy ra” với hãng chế tạo máy bay danh tiếng này và Chính phủ sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để cứu Boeing.
Giám đốc điều hành Boeing David Calhoun đã né tránh những gợi ý của một số Nghị sỹ đảng Dân chủ để những người nộp thuế có cổ phần trong Boeing.
Trong các cuộc đàm phán với các hãng hàng không lớn của Mỹ, các quan chức Bộ Tài chính đã yêu cầu các hãng này duy trì đội ngũ nhân viên của họ cho đến ít nhất ngày 30/9/2020. Tuy nhiên, Boeing đang cân nhắc kế hoạch cắt giảm khoảng 10% lực lượng lao động trong mảng kinh doanh máy bay thương mại, giữa bối cảnh các nhà máy của Boeing đang phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, chưa có quyết định cắt giảm nào được đưa ra.
Theo Thời báo Phố Wall, trước khi bước vào các cuộc đàm phán với Bộ Tài chính Mỹ, Boeing cũng đã yêu cầu Lazard và Evercore tìm hiểu các nguồn vốn tư nhân nhằm tìm thêm sự hỗ trợ. Tuy nhiên, hãng chế tạo máy bay này từ chối bình luận.
Boeing tiếp tục mắc kẹt với các quy trình phức tạp cùng Cục Hàng không Liên bang Mỹ trong nỗ lực giành được sự chấp thuận để vận hành trở lại dòng máy bay 737 MAX, sau khi xảy ra hai vụ rơi máy bay hồi tháng 10/2018 và tháng 3/2019.