Boko Haram gia tăng các vụ tấn công tại Nigeria

Trong 2 tuần qua, đã có ít nhất 35.000 người ở thị trấn Rann, Đông Bắc Nigeria, buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn sau khi nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram gia tăng các vụ tấn công.

Ngoài ra, ngày 1/2, các tay súng đã sát hại ít nhất 60 dân thường và gây ra cảnh đốt phá trên diện rộng tại địa phương này, vốn nằm cách thủ phủ Maiduguru của bang Borno khoảng 175km về phái Đông Bắc.

Chú thích ảnh
Nhà cửa bị thiêu rụi sau cuộc tấn công của Boko Haram tại Dalori, ngoại ô Maiduguri, đông bắc Nigeria ngày 1/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 1/2, phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ) dẫn số liệu mới nhất của của Cao ủy LHQ về người tỵ nạn (UNHCR) cho biết người dân Rann chủ yếu chạy tới khu vực đồng bằng Đông Bắc của Cameroon, tiếp giáp biên giới với Nigeria. Các cơ quan cứu trợ nhân đạo đã cung cấp, hỗ trợ một số đồ dùng cơ bản tại khu vực trú ẩn tạm thời này cho số người tỵ nạn.

Trong khi đó, cùng ngày, tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho biết phiến quân Boko Haram tấn công nhằm vào những người dân thường vốn đã phải rời bỏ nhà cửa do tình hình xung đột đẫm máu có thể tương đương với tội ác chiến tranh.

Nhiều binh sĩ Nigeria đã rời bỏ vị trí một ngày trước khi vụ tấn công diễn ra, cho thấy sự bất lực của nhà chức trách trong việc bảo vệ người dân.

Những dân buộc phải rời Rann, sau khi Lực lượng Đặc nhiệm chung đa quốc gia (MNJTF) đã rút khỏi đây ngày 14/1 vừa qua. MNJTF do Cameroon, Chad, Nigeria, Niger và Benin thành lập để chống lại Boko Haram và các nhóm khủng bố khác đang hoạt động mạnh tại khu vực Hồ Chad.

Nhằm hỗ trợ người tỵ nạn từ Nigeria sang Cameroon trong 2 tuần qua, LHQ và các đối tác đã cung cấp các dịch vụ cơ bản trong khu vực tỵ nạn tạm thời. Khoảng 13.000 người đã nhận được khẩu phần thức ăn và mỗi người tỵ nạn đã đăng ký sẽ nhận được 6 lít nước sạch mỗi ngày.

Trong tháng Một vừa qua, LHQ  phối hợp với Chính phủ Cameroon và các đối tác viện trợ đã công bố Kế hoạch Ứng phó nhân đạo năm 2019, tập trung vào các khu vực thường xuyên bị Boko Haram tấn công và những vùng người dân lánh nạn tạm trú. Khoảng 4,3 triệu người dân Cameroon, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đang rất cần được hỗ trợ, giúp đỡ để sống sót.

Với âm mưu thiết lập một nhà nước Hồi giáo, phiến quân Boko Haram nổi dậy tại Đông Bắc Nigeria từ năm 2009, sau đó mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước láng giềng Cameroon, Chad và Niger. Năm 2015, Boko Haram tách thành hai nhánh, trong đó có ISWAP có quan hệ với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Các tay súng phiến quân đã phát động các cuộc tấn công và tiến hành hàng loạt vụ đánh bom liều chết ở các quốc gia thuộc lưu vực hồ Chad, khiến ít nhất 27.000 người thiệt mạng và 2,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Ngoài ra, có khoảng 1,8 triệu người mất nhà cửa phải sống trong các lều trại tạm bợ. Boko Haram sử dụng việc bắt cóc như một vũ khí chiến tranh và đã bắt cóc hàng nghìn phụ nữ và bé gái cũng như nam giới để ép gia nhập hàng ngũ phiến quân.

Hữu Thanh (TTXVN)
Hơn 100 người thương vong trong vụ tấn công của phiến quân Boko Haram tại Nigeria
Hơn 100 người thương vong trong vụ tấn công của phiến quân Boko Haram tại Nigeria

Tiếng súng và bom nổ đã gây náo động thành phố Maiduguri ở Đông Bắc Nigeria trong đêm 1/4 khi nhóm Hồi giáo vũ trang Boko Haram tấn công thành phố này khiến hơn 100 người thương vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN