Bộ trưởng nội vụ Bolivia, Carlos Romero, ngày 25/8 cho biết đang chờ Đại sứ quán Brazil tại La Paz làm rõ việc Thượng nghị sĩ đối lập của Bolivia Roger Pinto đã trốn khỏi trụ sở cơ quan ngoại giao này và đã có mặt tại Brazil mặc dù không được chính phủ Bolivia cấp giấy thông hành.
Ông Roger Pinto. Ảnh: ABI |
Ông Pinto vào Đại sứ quán Brazil từ cách đây 15 tháng và đã được chính phủ Brazil cho phép tị nạn chính trị, tuy nhiên chính phủ Bolivia không cho ông rời Đại sứ quán vì bị điều tra tham nhũng và sau đó đã bị kết án tù.
Theo chính phủ Bolivia, ông Pinto là một người bị xét xử bởi các tội thường phạm chứ không phải bị truy bức về chính trị như ông tuyên bố nên không thể rời khỏi đất nước.
Tháng 6 vừa qua, ông Pinto đã bị tòa tuyên án 1 năm tù vì tội tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế.
Bộ ngoại giao Bolivia ra thông cáo về vụ tẩu thoát của ông Pinto, trong đó nêu rõ nhân vật này đã trở thành “kẻ trốn chạy công lý”. Bolivia sẽ đưa ra các biện pháp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương để luật pháp được thực thi, theo đó đã thông báo để Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) truy nã vì đối tượng này đã bị tuyên án và nhất là đã xuất cảnh bất hợp pháp.
Trong khi đó, Bộ trưởng truyền thông Bolivia, Amanda Dávila, cho biết vụ bỏ trốn của ông Pinto sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ với Brazil.
Bà Dávila nêu rõ ông Pinto dính líu ít nhất tới 14 vụ án thường phạm và những lực lượng đối lập đã chính trị hóa vụ này với những thông tin “hoàn toàn bịa đặt và thiên vị”. Theo bà, các thế lực “siêu bảo thủ” tại Bolivia và Brazil tìm cách sử dụng vụ bỏ trốn của ông Pinto để gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.
Vì phần mình, Bộ ngoại giao Brazil đã ra thông cáo báo chí cho biết sẽ điều tra vụ việc trên và sẽ đưa ra các “biện pháp hành chính và kỷ luật” thích hợp. Đại biện lâm thời Brazil tại La Paz Eduardo Saboia đã được gọi về nước để làm rõ vụ việc.
Theo nguồn tin không chính thức, ông Pinto rời thủ đô La Paz trong một chiếc xe ngoại giao và được một số binh sĩ Brazil tháp tùng trong chuyến đi kéo dài 22 giờ và tới biên giới Brazil rạng sáng ngày 25/8. Tuy nhiên, phía Bolivia không tin vào điều này nên muốn nhận được giải thích chính thức của Đại sứ quán.
Brazil là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Bolivia, với sản phẩm chủ lực là khí đốt thiên nhiên, và cũng là nơi có nhiều kiều dân Bolivia sinh sống, với khoảng 100.000 người.
Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)