Liên hợp quốc (LHQ) và các chuyên gia về môi trường cảnh báo không còn nhiều thời gian để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo và môi trường ở Biển Đỏ với mức độ tác động nghiêm trọng không kém vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hồi tuần trước. Đó là tình cảnh của tàu chở dầu cũ kĩ đậu ngoài khơi bờ biển phía tây của Yemen.
Theo đánh giá của LHQ, tàu chở dầu FSO Safer, con tàu bị bỏ hoang ngoài khơi bờ biển phía tây, cách cảng Hodeidah của Yemen gần 60km, đang chở theo khoảng 1,14 triệu thùng dầu thô ngọt nhẹ và có nguy cơ tạo ra một khu vực tràn dầu rộng gấp 4 lần thảm họa tràn dầu của tàu chở dầu Exxon năm 1989 trên vùng biển ngoài khơi Alaska, Mỹ.
Một vụ tràn dầu như vậy sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp cho nền kinh tế Yemen cũng như hệ lụy đối với “một trong những kho dự trữ đa dạng sinh học quan trọng nhất trên hành tinh”.
Phiến quân Houthi, một nhóm nổi dậy chống lại chính quyền được LHQ công nhận và được Mỹ hậu thuẫn, đã chiếm giữ tàu dầu này từ chính phủ hồi năm 2015. Kể từ đó đến nay, không có bất kỳ hoạt động bảo dưỡng nào với tàu Safer. Bất chấp liên tục có các cảnh báo về nguy cơ thảm họa, phiến quân Houthi không chịu để Liên hợp quốc gửi thanh sát viên đến hiện trường kiểm tra thực tế.
Theo Ian Ralby, Giám đốc điều hành của hãng I.R. Consilium – một hãng tư vấn toàn cầu về an ninh hàng hải và an ninh nguồn lợi biển, thế giới đang dần cạn thời gian để xử lý vụ tàu Safer. Theo ông, ưu tiên cao nhất hiện nay là phải hút dầu ra khỏi buồng chứa của tàu và phải làm càng sớm càng tốt. Sau khi dỡ hàng xong là bước cứu hộ tàu, cấp thêm dầu cho con tàu mắc kẹt.
Không thể hoàn thành bất cứ phần việc nào trên đây nếu không có sự hợp tác của phái Houthi. Bộ trưởng Thông tin Yemen Moammar al-Eryani đã cáo buộc quân nổi dậy sử dụng siêu tàu chở dầu này làm “công cụ để tống tiền và mặc cả”. Ông cho rằng con tàu chở dầu có thể gây ra thảm họa “100% như vụ nổ ở cảng Beirut”.
Theo ước tính của LHQ, trong kịch bản tồi tệ nhất, tràn dầu từ tàu Safer có thể buộc cảng Hodeidah do Houthi kiểm soát đóng cửa trong vòng 6 tháng. Giá nhiên liệu ở Yemen sẽ tăng gấp đôi, còn thực phẩm – mặt hàng mà Yemen phải nhập khẩu đến 90%, cũng sẽ tăng 200%. Trong trường hợp xảy ra cháy nổ trên tàu, hàng triệu người Yemen sẽ phải hứng chịu khói độc hại.
Holm Akhdar, một nhóm hoạt động môi trường độc lập có trụ sở ở Yemen, cho biết tàu chở dầu Safer có nguy cơ hủy hoại đa dạng sinh học và môi trường sinh sống tự nhiên đối với 115 đảo của Yemen. 300 chủng san hô sẽ biến mất khỏi vùng biển nước này do không tiếp nhận được ánh sáng vì bị lớp váng dầu dày đặc bao phủ trên bề mặt. Sự cố tràn dầu cũng đe dọa sự sống của 1,5 triệu chim di cư.
Theo nhà nghiên cứu Mohammed al-Hakimi đến từ Holm Akhdar, có sự giống nhau giữa tàu Safer và kho cảng chứa chất amoni nitrat ở cảng Beirut – đó là sự phớt lờ cảnh báo về nguy cơ thảm họa. “Điểm khác nằm ở chỗ, thảm họa mà tàu Safer gây ra sẽ lớn hơn vụ nổ ở cảng Beirut. Tổn thất về con người, sức khỏe cũng sẽ lớn hơn”, chuyên gia này nhìn nhận.
Sau hơn 5 năm nội chiến, nguồn sống của 24 triệu người dân Yemen, chiếm khoảng 80% dân số, hiện phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ bên ngoài. Người dân nước này phải đối mặt với nguy cơ nạn đói thường trực. Một vụ tràn dầu sẽ khiến tình cảnh tồi tệ hơn, khi mà cảng Hodeidah, điểm tiếp nhận chủ yếu hàng nhân đạo quốc tế, sẽ bị đóng cửa trong nhiều tháng.
Thảm họa cũng sẽ giáng một cú đánh mạnh vào ngành đánh bắt cá của Yemen, ngành kinh tế có giá trị lớn thứ hai ở nước này. Nhóm Holm Akhdar dự đoán chỉ tính riêng ở Hodeidah sẽ có khoảng 67.8000 ngư dân mất kế sinh nhai nếu xảy ra sự cố tràn dầu từ tàu Safer.
Theo al-Hakimi, “sự cố Safer” còn gây ra hệ quả toàn cầu, khi nó tiềm ẩn nguy cơ gây đứt gãy các tuyến hàng hải quan trọng toàn cầu ở Biển Đỏ, chuyên chở hàng triệu thùng dầu mỗi ngày. Sẽ có khoảng 20.000 tàu hàng, tàu dầu qua lại vùng biển này bị ảnh hưởng mỗi năm. LHQ thì cảnh báo các quốc gia quanh biển Đỏ như Djibouti, Eritrea và Saudi Arabia sẽ phải gánh chịu hệ quả lớn từ một vụ tràn dầu.