Ngày 17/1, một vụ nổ bom xảy ra tại một địa điểm biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Bangkok của Thái Lan đã làm ít nhất 31 người bị thương, sau bốn ngày biểu tình khá yên bình trong chiến dịch "chiếm đóng Bangkok" của Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) do ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu.Người biểu tình chống chính phủ bị thương trong một vụ tấn công bằng lựu đạn tại Bangkok ngày hôm nay, 17/1. Ảnh: Reuters |
Cảnh sát cho biết vụ nổ xảy ra vào giữa trưa, gần trường Đại học Chulalongkorn ở trung tâm thành phố. Người phát ngôn phong trào biểu tình Akanat Promphan cho biết bom phát nổ chỉ cách thủ lĩnh biểu tình Suthep khoảng 30m. Ông Suthep không bị thương và đội bảo vệ đã hộ tống ông trở lại một sân khấu do người biểu tình dựng lên.
Trong khi đó, tờ "The Nation" của Thái Lan dẫn nguồn tin từ PDRC cho biết một đối tượng chưa rõ danh tính đã ném quả bom từ tầng ba của một tòa nhà gần đó vào đoàn biểu tình. Cảnh sát đã mở điều tra để xác định thiết bị gây nổ thuộc loại gì.
Phát biểu trên sân khấu sau vụ nổ, một trong các thủ lĩnh biểu tình Satit Wonghnongtaey cho rằng "Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải chịu trách nhiệm".
Chính phủ đã bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời khẳng định rằng chính người biểu tình chủ ý kích động bạo lực. Phát biểu với các phóng viên, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul nhấn mạnh: "Một phong trào đã được lập ra để tạo tình huống tấn công bằng bom nhằm vào nhà riêng của các lãnh đạo và người biểu tình". Ông Surapong cũng nhận định: "Sắp đến lúc giành lại quyền kiểm soát thủ đô".
Ông Surapong đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh một đoàn quan chức, được cảnh sát và quân đội hộ tống, lên đường đến cơ quan chính phủ phụ trách việc cấp hộ chiếu để thuyết phục người biểu tình ở đó giải tán và để cơ quan này có thể hoạt động trở lại. Theo ông Surapong, nếu biện pháp này thành công, đây có thể là tiền lệ cho các bộ ngành khác làm theo.
Trong một diễn biến khác, ngày 17/1 Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng Thái Lan Nipat Thonglek đã ký lệnh cấm binh sĩ mặc quân phục tham gia biểu tình. Sắc lệnh này được đưa ra sau khi có một vài binh sĩ bị bắt vì mang theo súng đạn và có liên quan tới biểu tình.
Ba binh sĩ hải quân Thái Lan đã bị bắt khi trong người mang súng và có các thẻ làm bảo vệ an ninh cho những người biểu tình. Để tránh lặp lại tình trạng này, ông Pipat nói rằng lệnh trên yêu cầu tất cả các quân nhân phải giữ thái độ trung lập và tránh phát ngôn liên quan tới tình hình chính trị.
Trong sắc lệnh này, các nhân viên quân sự cũng không được phép mặc quân phục nếu họ muốn tham gia bất kỳ cuộc biểu tình nào liên quan tới chính trị hoặc phải tránh có hành động có thể gây hiểu lầm và ảnh hưởng tới hình ảnh của quân đội Thái Lan. Các trường hợp vi phạm sắc lệnh này sẽ bị xét xử ở tòa án binh.
TTXVN/ Tin tức