Hãng tin AP dẫn nguồn Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) đưa tin vụ không kích hôm 28/6 nhằm vào thị trấn al-Musayfrah, phía Đông tỉnh Daraa là vụ tấn công gây thương vong lớn nhất kể từ khi quân đội chính phủ mở chiến dịch tiến công từ 19/6.
Nhà hoạt động Abu Mahmoud cho hay lực lượng cứu hộ đang tiếp tục công tác đưa các thi thể ra khỏi hầm trú ẩn, với số lượng người chết lên tới 20, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Trước đó một ngày, cũng theo SOHR, các cuộc không kích nhằm vào những khu vực do phiến quân kiểm soát ở tỉnh Deraa, miền Nam Syria ngày 27/6 đã khiến 46 người thiệt mạng.
Các máy bay chiến đấu đã không kích ác liệt những thị trấn tại Tây Nam Syria trong những ngày gần đây trong bối cảnh một chiến dịch tấn công của quân đội Syria do Nga hậu thuẫn đang được đẩy nhanh.
Tuy nhiên, nguồn tin không nói rõ vụ không kích ngày 28/6 có phải do Quân đội Chính phủ thực hiện hay không.
Ngày 23/6 vừa qua, Nga đã tiến hành không kích các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở miền Nam Syria. Đây là lần không kích đầu tiên của Nga kể từ khi Moskva đồng ý ngừng bắn ở khu vực này vào năm 2017. Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Jonathan Cohen cho biết Mỹ có thể xác nhận rằng Nga đã mở nhiều đợt không kích tại vùng giảm căng thẳng ở phía Tây Nam Syria và coi đây là những hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đã được lãnh đạo Nga, Mỹ nhất trí. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/6 đã khẳng định Moskva không từ bỏ thỏa thuận liên quan đến khu vực "giảm căng thẳng" được thiết lập tại phía Nam Syria.
Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura cảnh báo nguy cơ xảy ra một trận chiến quy mô lớn ở Tây Nam Syria vốn nằm trong thỏa thuận ngừng bắn "giảm căng thẳng".
Trong một diễn biến liên quan, với chiến dịch tấn công hướng về phía Tây Nam Syria, khoảng 1.000 người, trong đó có cả các tay súng phiến quân, những đối tượng bị truy nã hay những người trốn nghĩa vụ quân sự đã đầu hàng quân đội Syria ở tỉnh Daraa. Theo hãng thông tấn Syria SANA, nhà chức trách nước này đã ân xá cho một số lượng lớn những người ra đầu hàng, đây là một phần chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc.