Bốn yếu tố dập tắt ý định tấn công Syria của Tổng thống Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/4 cảnh báo Nga hãy sẵn sàng cho một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Syria. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng khó có khả năng thành hiện thực.

Tổng thống Trump đối mặt với bài toán học búa có nên không kích Syria. Ảnh: Getty Images

Trên trang mạng Twitter cá nhân ngày 9/4 Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ sớm đưa ra hành động đáp trả vụ tấn công mà Washington cáo buộc Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường khiến ít nhất 40 người thiệt mạng hôm 7/4. Động thái này làm dấy lên đồn đoán rằng Mỹ sẽ tấn công các mục tiêu của Quân đội Arập Syria (SAA). Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng còn gửi cảnh báo tới người đồng cấp Vladimir Putin rằng “Nga hãy sẵn sàng tại Syria vì tên lửa mới và thông minh của Mỹ sẽ tới”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự đánh giá đó là tuyên bố mang nhiều cảm tính của Tổng thống Trump hơn là một chiến thuật quân sự được thảo luận kỹ lưỡng trong bối cảnh xung đột Syria hiện nay. Các chuyên gia nhận định có thể cuối cùng Mỹ sẽ phát động một cuộc tấn công tên lửa có giới hạn nhằm vào Syria, song ở thời điểm này, khả năng đó là không cao. Lý do tại sao?

Tấn công sẽ làm thay đổi bản chất cuộc xung đột Syria

Trả lời phỏng vấn độc quyền của trang tin Sputnik tiếng Arập, Tướng Liban về hưu Hisham Jaber đánh giá khó có khả năng Tổng thống Trump sẽ ­hiện thực hóa đe dọa đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nói trên vì động thái đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn chiến sự tại Syria hiện nay. Tuyên bố của ông Trump giống như là một nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý của công luận Mỹ vào hoạt động đối ngoại hơn là một tuyên bố hành động.

Video Quân đội Chính phủ Syria truy quét tàn quân IS khỏi Đông Ghouta:



Theo ông Hisham Jaber, Mỹ sẽ không đánh bởi vì Nga đã tuyên bố bắn hạ mọi tên lửa tấn công Syria và đặt ưu tiên ngăn chặn chiến tranh ở quốc gia Trung Đông này. Về bản chất, xung đột tại Syria vẫn là cuộc chiến chống khủng bố của Chính quyền Tổng thống Assad nhằm truy quét nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sau khi nhóm này gần như bị đánh bại, xung đột Syria dần chuyển sang một cuộc chiến giữa quân nổi dậy chống chính phủ và giữa chính các phe phái với nhau. Về tổng thể, “chảo lửa” Syria có sự can dự của nhiều nước như Israel, Mỹ và phương Tây, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một cuộc chiến ủy nhiệm và các nước về lý thuyết chưa hề trực tiếp tham chiến.

Trong bối cảnh đó, nếu Mỹ bổn cũ soạn lại viện cớ trả đũa vụ tấn công bị tình nghi sử dụng vũ khí hóa học của Chính quyền Syria, thì hành động đó đồng nghĩa với việc chiến sự Syria sẽ chứng kiến những màn đối đầu trực diện của nhiều nước, đặc biệt giữa Nga và Mỹ. Đó là một cuộc chiến tranh khu vực, thậm chí dẫn tới Chiến tranh Thế giới Thứ 3.

Nguy cơ chiến tranh Nga-Mỹ

“Nga là một lực lượng răn đe mạnh và sự kiện Shayrat sẽ không tái diễn”, ông Jaber nhấn mạnh, ám chỉ tới vụ Mỹ tập kích tên lửa nhằm vào một căn cứ không quân của SAA ngày 7/4/2017 cũng với cáo buộc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học tại khu vực Khan Sheikhoun, thuộc tỉnh Idlib.

Nguy cơ Nga, Mỹ đối đầu trực diện tại Syria. Ảnh: Russia News

Ông Jaber cho rằng “hiện nay Nga đã triển khai binh lực hùng hậu tại Syria. Ông nói: “Liệu Mỹ có sẵn sàng xung đột với Nga? Đây là điều chưa từng xảy ra trong Chiến tranh Thế giới Thứ 2 và Chiến tranh Lạnh. Tôi cho rằng Washington có thể mở một cuộc tấn công có giới hạn nhằm vào Syria để giữ thể diện cho Tổng thống Trump, nhất là ở trong nước.
 
Theo Tướng Jaber, Mỹ đã có sẵn danh sách mục tiêu tiềm tàng để tấn công tại Syria. Tuy vậy, Washington sẽ chỉ ra tay nếu Tổng thống Trump tin chắc rằng hành động đó sẽ không dẫn tới cho một sự đáp trả cứng rắn của Nga. Vấn đề này cần phải được Nhà Trắng tính tới trước khi “động thủ” ở Syria. Tướng Mahmud Matar, cựu Tư lệnh Không quân Liban, cho rằng chắc chắn không ai muốn châm ngòi Chiến tranh Thế giới thứ 3.

Tháng 4/2017, cũng với lý do trừng phạt Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, quân đội Mỹ đã nã 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria. Song tình thế hiện nay đã thay đổi đáng kể. Năm ngoái, thông qua đường dây nóng quân sự, Mỹ đã thông báo trước cho Nga về vụ tấn công và khi đó quan hệ Washington-Moskva cũng không căng như hiện nay. Tuy nhiên, liên lạc quân sự giữa hai nước đã không còn hoạt động hiệu quả vào lúc này.

Video Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Syria tháng 4/2017:



Syria là nơi Nga có căn cứ quân sự duy nhất ở nước ngoài. Hiện Moskva bố trí lượng lớn khí tài tại đây. Nếu Mỹ và đồng minh mở chiến dịch không kích có giới hạn, kịch bản dễ xảy ra nhất, thì tên lửa hành trình Tomahawk và máy bay liên quân sẽ phải trực diện đương đầu với lưới lửa phòng không S-400, Pantsir-S1 và Bastion-P.

Hệ thống S-400 tiên tiến của Nga - có khả năng tiêu diệt chiến đấu cơ, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo - đặt tại căn cứ không quân ở Latakia có thể trở thành chiếc ô che chắn cho không phận miền Tây và Trung Syria, thậm chí đối mặt với căn cứ Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đồn trú phần lớn không lực Mỹ trong khu vực.

Video truy tìm mục tiêu của hệ thống tên lửa S-400 được Nga bố trí ở Syria:



Ngoài ra, hãng tin Sputnik (Nga) cho biết hệ thống tên lửa Pantsir-S1 cũng sẽ trở thành ác mộng của máy bay, trực thăng hoặc tên lửa đạn đạo, thậm chí tên lửa hành trình Tomahawk Block-IV của Mỹ. Pantsir-S1 (được NATO định danh "chó săn xám" SA-22) là hệ thống tên lửa pháo phòng không kết hợp radar điều khiển hỏa lực, thiết bị quang học cảm biến điện, hai pháo cỡ nòng 30mm cùng tên lửa dẫn đường tầm ngắn đặt trên xe quân sự. Bên cạnh đó, quân đội Syria cũng đã được Nga chuyển giao một số lượng lớn tên lửa phòng không “Rồng lửa” S-125 cải tiến, loại tên lửa đã khẳng định được tên tuổi qua thực chiến. Đây là ràng là một “thiên la địa võng” trận địa phòng không mà Mỹ và đồng minh cần phải tính kỹ trước khi tấn công Syria.

Thậm chí, Đại tá quân đội Nga Alexander Zasypkin ngày 11/4 đã cảnh báo Nga bảo lưu quyền huỷ diệt các điểm phóng tên lửa trong trường hợp Mỹ tấn công Syria. Tuyên bố này có lẽ đã khiến giới tướng lĩnh quân sự Mỹ “bị sốc”. Nếu Mỹ triển khai chiến thuật phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ tàu chiến và máy bay xuất kích từ tàu sân bay trên Địa Trung Hải để tấn công Syria, Nga để ngỏ phương án đáp trả nhằm vào các mục tiêu này.  

Hiện nay, quân đội Nga đã bố trí các phi đội Flanker (Su-27) và Su-34 trang bị tên lửa đối hạm Kh-35 tại Tartus. Nga cũng duy trì hệ thống tên lửa bờ Bastion-P, với mỗi hệ thống bao gồm một lượng lớn các bệ phóng di động, mỗi bệ đặt 2 tên lửa P-800 Onik. Đây là loại tên lửa chống hạm siêu thanh cải tiến được Nga đưa tới Syria tháng 11/2016. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kịch bản này rất khó xảy ra, vì điều đó đồng nghĩa với một cuộc chiến tranh Nga-Mỹ.

Xem video tiêm kích đa năng SU-34 của Nga phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu. Nguồn: youtube



Tấn công Syria sẽ tạo điều kiện cho IS hồi sinh

Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tàn bạo đang hấp hối tại Syria, đó là sự thật. Thành quả đáng ghi nhận này có được nhờ nỗ lực chung của các lực lượng chính phủ Syria, với sự hỗ trợ của nhiều nước, trong đó có Nga, Iran và phần nào đó cả Mỹ. Tuy nhiên, việc Mỹ và liên quân mở chiến dịch tấn công và làm tiêu hao sinh lực của các lực lượng Chính phủ Syria có thể tạo cơ hội và thời gian cho IS tái tập hợp lực lượng và hồi sinh.

Chiến sự leo thang chắc chắn sẽ làm khiến Syria bất ổn hơn nữa và phải tập trực sức lực đối phó với liên quân. Đây là điều kiện lý tưởng để IS củng cố lực lượng và trở lại. Rõ ràng, không một ai muốn kịch bản này xảy ra.

Tổng thống Trump thiếu sự ủng hộ chính trị

Thời điểm này, Tổng thống Trump không có được sự ủng hộ mạnh mẽ để phát động tấn công Syria. Tháng 4/2017, các nhà lập pháp Mỹ đã chỉ trích người đứng đầu Nhà Trắng “qua mặt” Quốc hội khi phóng 59 tên lửa hành trình vào Syria. Các Hạ nghị sĩ Raúl M. Grijalva, Mark Pocan và Barbara Lee bày tỏ quan ngại rằng việc ông Trump mượn cớ vụ tấn công bị tình nghi sử dụng vũ khí hóa học để tấn công Syria mà không xin phép Quốc hội Mỹ là hành động vi hiến và vi phạm Nghị quyết Quyền hạn Chiến tranh.

Dư luận phản đối Mỹ tham chiến tại Syria ngày càng tăng. Ảnh The Telegraph

Theo nhóm nghị sĩ này, việc Mỹ can dự sâu hơn vào cuộc chiến Syria có thể khiến nước này phải hứng chịu những tổn thất nặng nề. Thậm chí, Hạ nghị sĩ Dân chủ Ro Khanna còn cảnh báo “một vụ tấn công trái hiến pháp” do Tổng thống Trump phát động cần phải bị luận tội.

Không chỉ chính giới Mỹ, nhiều quan chức và chính khách các nước đồng minh của Washington cũng phản đối tấn công Syria khi chưa có bằng chứng nào cho thấy quân đội Syria đứng đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Douma. Chính trị gia Nigel Farage của Anh chia sẻ quan điểm leo thang cuộc chiến tại Syria sẽ tạo cơ hội cho IS khôi phục lực lượng và chiếm lại các vùng lãnh thổ ở nước này.

Ông Nigel Farage, hiện là một thành viên Nghị viện châu Âu, cũng viện dẫn sự thất bại trong chính sách can dự của phương Tây tại Trung Đông-Bắc Phi trước đây, đặc biệt là tại Libya và Iraq. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Westmonster thực hiện tại Anh, có tới 80% số người được hỏi phản đối Anh tham chiến cùng Mỹ để tấn công Syria.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Tranh cãi sau thẻ đỏ cho Buffon và pha sút penalty thành công của Ronaldo
Tranh cãi sau thẻ đỏ cho Buffon và pha sút penalty thành công của Ronaldo

Thẻ đỏ của thủ môn Gianluigi Buffon ở phút 90+7 và pha sút penalty thành công của Cristiano Ronaldo ở những giây cuối đã “tặng” cho Real Madrid một suất vào bán kết Champions League trước một Juventus quật cường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN