Hội nghị diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về tương lai của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng rút Mỹ khỏi nỗ lực mang tính toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một trong những thủ phạm chính khiến Trái Đất ấm lên.
Những tảng băng khổng lồ tại Nam Cực. Ảnh:AP/TTXVN |
Hội đồng Bắc Cực gồm Mỹ, Nga, Canada và 5 quốc gia khác, nhóm họp 2 năm 1 lần với nội dung thảo luận chú trọng các vấn đề khu vực, nơi ghi nhận nhiệt độ ấm lên với tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Dự kiến, chương trình nghị sự của cuộc họp năm nay cũng sẽ tập trung vào hợp tác, chia sẻ thông tin, nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, cứu hộ cứu nạn và thông tin liên lạc tại khu vực này.
Trước sức ép của chính quyền Tổng thống Trump, các nhà khoa học Mỹ và nhiều quốc gia vùng Bắc Cực đã công bố một báo cáo về những hậu quả của tình trạng Bắc Cực ấm lên. Giới chuyên gia dự báo chính phủ các nước có thể phải tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD cho công tác khắc phục những hậu quả này, cụ thể là nâng cấp và mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, Canada và các nước khu vực Bắc Cực đã nhấn mạnh tầm quan trọng việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định Paris. Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende khẳng định việc Mỹ tham gia Hiệp định Paris là vấn đề quan trọng mang tính quyết định. Trên thực tế, với quy mô kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ cũng là quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới, do đó Washington cần đóng vai trò to lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trái Đất nóng lên khiến các khối băng vĩnh cửu ở Bắc Cực tan chảy , kéo theo nhiều hệ lụy như khiến mực nước biển tăng, gây ngập lụt trên diện rộng, hệ thống cơ sở hạ tầng bị tổn hại. Tuy nhiên, băng tan cũng giúp phát hiện các mỏ dầu mới, mở ra các tuyến đường vận tải, khuyến khích hoạt động nghề cá phát triển.
Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh bãi bỏ các quy định về biến đổi khí hậu từ thời người tiền nhiệm Barack Obama, vô hiệu hóa lệnh cấm các hoạt động khoan thăm dò dầu khí tại Bắc Cực. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ chấm dứt "cuộc chiến than đá" và coi đây là một bước tiến lịch sử, nhằm dỡ bỏ những rào cản đối với ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ, đảo ngược sự can thiệp của chính phủ, tháo gỡ các quy định cướp đi nhiều việc làm của người dân. Giới chuyên gia dự báo những động thái này có thể kéo theo một cuộc chạy đua tìm kiếm tài nguyên dầu khí giữa các nước trong khu vực với nhà sản xuất dầu lớn của thế giới là Nga.
Hiện đã có 196 nước tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Mỹ và Trung Quốc. Theo văn kiện này, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19). Trong đó, Mỹ sẽ phải cắt giảm khoảng 26-28% lượng khí thải vào năm 2025.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh bãi bỏ các quy định về biến đổi khí hậu từ thời người tiền nhiệm Barack Obama đã khiến dư luận trong và ngoài nước đặt dấu hỏi lớn về những cam kết của Mỹ liên quan đến các mục tiêu về khí thải toàn cầu bởi chính sách cắt giảm phát thải khí CO2 mà chính quyền tiền nhiệm Obama đưa ra là một phần cam kết của Mỹ đối với cộng đồng quốc tế. Dự kiến, Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về sự can dự của Mỹ trong Hiệp định Paris vào cuối tháng 5 này sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).