Các nhà chức trách Brazil cho biết quy định mới áp dụng trong mọi trường hợp. Người dân không được sử dụng nước sông Paraobepa chưa qua xử lý cho mục đích sinh hoạt, cho động vật hoặc phục vụ nông nghiệp. Nguồn nước sông này đã bị ô nhiễm sau vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao, khiến hàng nghìn mét khối bùn và nước ô nhiễm đổ xuống khu vực dân cư xung quanh.
Theo số liệu thống kê cho đến nay, thảm họa trên đã làm 179 người thiệt mạng, 131 người vẫn còn mất tích, trong đó có 31 nhân viên thuộc Tập đoàn mỏ Vale và số còn lại là công nhân và cư dân địa phương.
Đây là vụ vỡ đập chứa chất thải thứ 2 xảy ra tại Brazil trong 3 năm qua, cả hai con đập đều thuộc sở hữu của Tập đoàn Vale và đều thuộc địa phận bang Minas Gerais. Vụ vỡ đập trước đó xảy ra ở Mariana vào tháng 11/2015, đã phá hủy toàn bộ một khu dân cư lân cận, khiến 19 người thiệt mạng và gây ra thảm họa môi trường tồi tệ nhất tại quốc gia Nam Mỹ này.