Theo ông Janot, các cáo buộc mới nhất này có liên quan tới việc bà Rousseff khi còn đương nhiệm hồi tháng 3/2016 đã chỉ định ông Lula da Silva làm Bộ trưởng, Chánh Văn phòng nội các. Theo các nhà phân tích, động thái này của bà Rousseff được cho là nhằm bảo vệ ông Lula da Silva trước cuộc điều tra tham nhũng. Không lâu sau đó, bà Rousseff đã bị cáo buộc chỉnh sửa bảng quyết toán của chính quyền để che giấu tình trạng thâm hụt ngân sách trong năm bầu cử. Nữ chính khách này biện hộ rằng việc chỉnh sửa bảng quyết toán là hành động phổ biến dưới thời các chính quyền tiền nhiệm và không thể bị coi là hành vi có thể bị đem ra luận tội.
Cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (trái) và Luiz Inacio Lula da Silva. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cáo buộc mới này được đưa ra một ngày sau khi hai cựu nhà lãnh đạo Brazil bị cáo buộc lừa đảo, âm mưu biển thủ ngân sách cấp cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Hành động phạm pháp diễn ra ít nhất từ giữa năm 2002 đến ngày 12/5/2016, thời điểm bà Rousseff bị đình chỉ chức vụ tổng thống. Đảng Lao động (PT) cầm quyền bị tình nghi đã biển thủ 475 triệu USD thông qua các doanh nghiệp nhà nước như Petrobras, Ngân hàng Phát triển quốc gia (BNDES) và Bộ Kế hoạch.
Theo giới quan sát, diễn biến này sẽ ảnh hưởng mạnh đến vị thế của cựu Tổng thống Lula da Silva (2003-2010) trong cuộc bầu cử năm 2018. Chính khách này hiện là ứng cử viên sáng giá với tỷ lệ ủng hộ luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Hiện ông cũng đang bị tòa sơ thẩm Brazil tuyên án 9 năm rưỡi tù vì tội tham gia vào đường dây tham nhũng trong vụ bê bối của Petrobras. Phiên tòa phúc thẩm kháng cáo tuyên án tham nhũng của cựu Tổng thống Lula da Silva sẽ diễn ra trong vòng 10-11 tháng tới.
Các vụ bê bối tham nhũng tại Petrobras bắt đầu bị phanh phui từ tháng 3/2014. Vụ bê bối làm rung chuyển chính trường Brazil và đã khiến nhiều quan chức của Petrobras cũng như nhiều chính trị gia chủ chốt của nước này bị truy tố. Đến nay, hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra.
Cùng ngày, Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras thông báo bán 90% cổ phần của Công ty Transportadora Associada de Gas S.A (TAG) theo chương trình thoái vốn nhằm giảm quy mô hoạt động và đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính của doanh nghiệp.
Từ năm 2015, Petrobras đã triển khai chương trình thoái vốn nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng ảnh hưởng từ khi đường dây tham nhũng lớn nhất từ trước tới nay tại tập đoàn bị phanh phui vào tháng 3/2014. Theo cảnh sát, đường dây đó đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo của Petrobras. Doanh nghiệp dầu khí Brazil đã mất khoảng 2 tỷ USD trong vụ bê bối tham nhũng này.