Đây là lần đầu tiên tình trạng mất an ninh lương thực tại nhà sản xuất lương thực lớn nhất Mỹ Latinh cao hơn cả mức trung bình của thế giới kể từ khi bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 2006.
Người dân Brazil đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng trên dù quốc gia này là một trong những nước sản xuất nông sản hàng đầu thế giới. Nhà kinh tế Marcelo Neri, Giám đốc Trung tâm Chính sách Xã hội của FGV và là tác giả của nghiên cứu, cho biết giá lương thực đã tăng mạnh sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
Thống kê cho thấy tỷ lệ mất an ninh lương thực của 20% người nghèo nhất tại Brazil trong đại dịch COVID-19 đã tăng lên 75% năm 2021, so với 53% năm 2019, gần bằng tỷ lệ tại Zimbabwe, nơi có mức độ mất an ninh lương thực cao nhất trên thế giới (80%).
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho biết khoảng cách giới trong tình trạng mất an ninh lương thực năm 2021 tại Brazil lớn hơn 6 lần so với mức trung bình toàn cầu.
Cơ quan quản lý hộ tịch Brazil (CadÚnico) cho biết số hộ gia đình nằm trong diện nghèo đói cùng cực tại quốc gia Nam Mỹ này trong giai đoạn từ tháng 5/2021 đến hết tháng 4/2022 đã tăng từ 14,6 triệu hộ lên 18,2 triệu hộ, tương đương 52% trong tổng số 35 triệu gia đình nằm trong cơ sở thống kê của CadÚnico.
Tính theo dân số, 47 triệu trong số hơn 83,3 triệu người nằm trong diện quản lý của CadÚnico đang sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói, chiếm tỷ lệ 55%.