Quyết định bãi bỏ lệnh cấm đã được Tổng thống Jair Bolsonaro và các bộ trưởng kinh tế và nông nghiệp ký thông qua. Theo chính phủ, động thái này được đưa ra do sắc lệnh năm 2009 đã quá lỗi thời và có nhiều văn bản pháp luật khác như luật quản lý rừng mới và chương trình RenovaBio giám sát lĩnh vực này hiệu quả hơn.
Lệnh cấm trên đã được ban hành dười thời nhà lãnh đạo cánh tả Luiz Inacio Lula da Silva vào thời điểm nhiên liệu ethanol sản xuất từ cây mía đang "lên ngôi" và nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường hứa hẹn sẽ giúp các nước trên thế giới giảm khí thải carbon. Tuy nhiên, triển vọng sáng sủa về nhiên liệu ethanol làm dấy lên lo ngại việc mở rộng diện tích trồng mía tại Brazil có nguy cơ dẫn đến nạn phá rừng và lấn chiếm đất đai để phục vụ cho sản xuất.
Tuy nhiên, diện tích trồng mía tại nước xuất khẩu đường mía hàng đầu thế giới đã giảm trong 5 năm qua, một phần do giá đường mía trên toàn cầu giảm. Hoạt động xuất khẩu enthanol cũng hạn chế khi chỉ có Mỹ và Brazil sản xuất và sử dụng nhiên liệu này ở quy mô lớn.