Phát biểu tại buổi họp báo với các phóng viên nước ngoài, ông Maggi nhận định việc phát hiện đường dây cấp phép cho thịt bẩn tuồn vào lưu hành trên thị trường mới đây không đồng nghĩa với việc sản phẩm thịt của quốc gia xuất khẩu số một thế giới này kém chất lượng. Ông khẳng định chính phủ đang tiến hành rà soát tất cả hệ thống các nhà máy giết mổ và đông lạnh trên toàn quốc, cũng như hệ thống giám sát trong dây chuyền sản xuất thịt.
Dây chuyền chế biến thịt ở Lapa, bang Parana, Brazil ngày 21/3. Ảnh:AFP/TTXVN |
Theo Bộ trưởng Maggi, trong vụ bê bối thịt bẩn, cảnh sát nước này đã “thổi phồng” vụ việc và trên thực tế đây là lỗi của “tình trạng quan liêu”. Chỉ có 21 trong tổng số 4.837 nhà máy giết mổ và đông lạnh đang bị điều tra vì lý do “thủ tục hành chính”, không vì “chất lượng thịt”. Ông cũng khẳng định không có việc thịt bẩn được sử dụng để chế biến các sản phẩm như xúc xích hay các đồ ăn khác, cũng như các hóa chất và phụ liệu gây ung thư, đồng thời chỉ trích cảnh sát đã thông tin chưa chính xác trong vụ việc gây thiệt hại đáng kể cho lĩnh vực này.
Cho tới thời điểm này, 22 thị trường trong tổng số 150 nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu thịt của Brazil đã ngừng mua thịt của nước này. Chính phủ Brazil thừa nhận vụ bê bối thịt bẩn có thể gây thiệt hại 1,5 tỷ USD, tương đương 10% kim ngạch xuất khẩu của ngành này.
Vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil bị phát giác khi ngày 18/3, cảnh sát nước này thông báo phát hiện một đường dây nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt ôi thiu, không đạt chất lượng được đưa ra thị trường tiêu thụ, cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất gây ung thư để làm các sản phẩm chế biến từ thịt có màu đẹp và mùi thơm.
Brazil là nước xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm số một thế giới và đứng thứ tư về xuất khẩu thịt lợn. Vụ bê bối xảy ra đúng lúc các nhà chức trách nước này đang nỗ lực đẩy nhanh việc ký kết một hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) mà nước này là thành viên.