Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, lễ ký kết thỏa thuận bồi thường thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử khai thác mỏ tại Brazil diễn ra tại trụ sở Phủ Tổng thống ở thủ đô Brasilia sau 2 năm đàm phán.
Thảm họa đập Bento Rodrigues xảy ra khi các bức tường chắn của đập Fundão và Santarém bị vỡ mang theo 40 triệu m3 chất thải, làm ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, hầu hết trong số họ đang chờ bồi thường thiệt hại.
Các con đập bị vỡ được xây dựng để chứa chất thải từ việc khai thác quặng sắt từ nhiều mỏ trong khu vực do công ty Samarco quản lý, liên doanh giữa Vale của Brazil và BHP Billiton của Australia. Chất thải ô nhiễm đã chảy ra sông Doce, nơi cung cấp nước cho 230 đô thị ở các bang Minas Gerais và Espírito Santo. Các nhà khoa học cho rằng phải mất tới 100 năm để chất thải từ thảm họa này được loại bỏ ra biển.
Vale và BHP Billiton sẽ thực hiện thỏa thuận này trong vòng 20 năm. 1,2 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường nói trên sẽ nhận được tiền bồi thường. Chính phủ Brazil cũng sẽ sử dụng một phần số tiền bồi thường để đầu tư cho các công trình phục hồi môi trường và cơ sở hạ tầng bị phá hủy.
Các công ty này vẫn sẽ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ loại bỏ 9 triệu m3 chất thải đọng lại ở đập Risoleta Neves, hoàn thành việc tái định cư cho những người dân bị mất nhà cửa ở Bento Rodrigues, cũng như khôi phục 54.000 ha rừng nguyên sinh và 5.000 suối ở lưu vực sông Doce.
Phát biểu sau khi ký thỏa thuận, Tổng thống Lula da Silva bày tỏ hy vọng các công ty khai thác mỏ “rút ra bài học” và “hiểu rằng việc đầu tư để ngăn chặn thảm kịch sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc khắc phục cho một thảm họa do sự vô trách nhiệm gây nên”.