Thông tin do Bộ Y tế Brazil công bố cùng ngày cho biết thêm nước này ghi nhận 18.508 ca nhiễm mới, tăng 6,3% so với ngày trước đó, nâng tổng số lên 310.087 ca nhiễm. Trong số đó, 164.080 bệnh nhân đang được chữa trị và 125.960 bệnh nhân đã hồi phục.
Hiện bang Sao Paulo vẫn là địa phương bị tác động nặng nề nhất tại Brazil với 5.363 người tử vong, tiếp theo là các bang Rio de Janeiro và Ceara với số người tử vong lần lượt là 3.237 và 1.900 người.
Với tốc độ lây lan theo cấp số nhân, Brazil đã trở thành quốc gia có nhiều người nhiễm thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Nga. Trong khi đó, giới lãnh đạo Brazil lại không “cùng chiến tuyến” trong vấn đề đối phó với dịch bệnh. Chỉ trong vòng 1 tháng, hai Bộ trưởng Y tế Nelson Teich và Luiz Henrique Mandetta đã từ chức do bất đồng quan điểm với Tổng thống Jair Bolsonaro, người ưu tiên các hoạt động kinh tế hơn các biện pháp cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh.
Cùng ngày 21/5, Bộ Y tế Iraq thông báo đã ghi nhận thêm 153 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 3.877 ca. Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn thông báo của bộ trên cho biết số ca nhiễm mới được ghi nhận sau khi 6.151 bộ thử được sử dụng trên toàn Iraq trong 24 giờ trong ngày, đưa con số xét nghiệm lên 169.760 xét nghiệm kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Đến nay, Iraq đã có 140 người tử vong vì COVID-19, trong khi 2.483 người đã hồi phục. Từ ngày 20/5, Iraq đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại 6 quận tại thủ đô Baghdad trong 2 tuần để kiềm chế dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Cairo cho biết Bộ Y tế Ai Cập đã ghi nhận thêm 774 ca nhiễm trong ngày 21/5, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên hồi giữa tháng 2 vừa qua. Hiện tổng số ca nhiễm ở quốc gia Bắc Phi này là 15.003 ca. Có thêm 16 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 696 người. Trong khi đó, cũng đã có thêm 223 bệnh nhân đã hoàn toàn khỏi bệnh và được ra viện.