BRICS đang hướng đến một 'tầm nhìn chung'

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi diễn ra trong hai ngày (15 - 16/7) tại thành phố Fortaleza (Brazil) đã đi đến nhiều quyết định quan trọng, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế.


Lập “IMF” và “WB” riêng


Với chủ đề "Tăng trưởng chung: Các giải pháp bền vững", hội nghị lần này đặc biệt chú trọng đến liên kết kinh tế nội khối. Lãnh đạo các nước thành viên gồm Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã ký kết thỏa thuận thành lập ngân hàng chung, nhằm huy động nguồn lực tài trợ cho cơ sở hạ tầng và những dự án phát triển bền vững trong các nền kinh tế thành viên BRICS, các nền kinh tế mới nổi khác và các quốc gia đang phát triển.

 

Các nhà lãnh đạo BRICS tại hội nghị. Ảnh: THX/TTXVN


Tổ chức tài chính này có tên gọi là “Ngân hàng phát triển mới” (NDB), với số vốn điều lệ là 50 tỉ USD, chia đều cho 5 thành viên và dự kiến sẽ nâng lên mức 100 tỉ USD trong thời gian tới. Về lâu dài, NDB sẽ có thể mở rộng số lượng thành viên tham dự, với điều kiện phần góp vốn của BRICS phải trên 55%. Trụ sở chính của NDB sẽ được đặt tại Thượng Hải (Trung Quốc), với chức Chủ tịch đầu tiên do Ấn Độ đảm nhiệm.


Cũng tại hội nghị, một quỹ dự trữ ngoại hối có quy mô vốn 100 tỉ USD đã chính thức được thành lập, với Trung Quốc đóng góp 41 tỷ USD; Brazil, Ấn Độ và Nga mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD và Nam Phi góp 5 tỷ USD. Quỹ này hướng tới việc ổn định thị trường tiền tệ trước những “cú sốc” khủng hoảng tài chính hoặc là do thay đổi chính sách của các ngân hàng trung ương trên thế giới, nhất là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED).


Sự ra đời của của hai định chế tài chính trên được xem là bước tiến dài của BRICS, là thành quả của 2 năm đàm phán căng thẳng, với nhiều trở ngại nhiều lúc tưởng chừng khó có thể vượt qua. Tổng thống Brazil cho rằng, NDB là một lựa chọn của các nước đang phát triển để giải quyết nhu cầu vốn, và sẽ cho phép các nước BRICS độc lập hơn về kinh tế.


Giới chuyên gia thì nhìn nhận, NDB có vai trò như là “Ngân hàng thế giới” (WB), còn Quỹ dự trữ ngoại hối của BRICS mang “dáng dấp” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Với hai tổ chức này, BRICS đang quyết tâm tạo lập một “sân chơi riêng”, độc lập với các định chế tài chính quốc tế như WB, IMF… do Mỹ và phương Tây lãnh đạo, chi phối, sử dụng như là các công cụ chính trị để mở rộng can dự toàn cầu. Trong tuyên bố chung, lãnh đạo BRICS đã công khai bày tỏ sự thất vọng trước việc IMF, WB chậm cải cách đổi mới mô hình hoạt động, gây ra “những tác động tiêu cực về tính hợp pháp, hiệu quả, uy tín” của các định chế này.


Thể hiện vai trò, ảnh hưởng chính trị


Ẩn sau các chương trình hành động về kinh tế vốn được xem là mục đích sơ khởi của cơ chế hợp tác BRICS, các nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đã đưa ra những quyết tâm chính trị mạnh mẽ tại hội nghị lần này.


Tuyên bố chung Fortaleza 2014 lập “kỉ lục” về độ dài trong 6 kì họp thượng đỉnh, với 72 điểm, thể hiện quan điểm, tầm nhìn của BRICS về hàng loạt các vấn đề kinh tế, chính trị, an ninh toàn cầu… bên cạnh các nội dung hợp tác nội khối. Lãnh đạo 5 nước thành viên nhận định: Bất ổn chính trị và xung đột tiếp diễn dai dẳng tại nhiều điểm nóng trên thế giới, cùng với đó là sự nổi lên của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; trong hoàn cảnh đó, BRICS sẽ có những đóng góp tích cực trong việc xử lý những thách thức này, khi mà các cấu trúc điều hành quốc tế đã “giảm sút tính hợp pháp và hiệu quả”.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, BRICS đang ở giai đoạn phát triển có tính lịch sử, “trở thành một người chơi quan trọng trong các quan hệ quốc tế… đây là lần đầu tiên BRICS có cùng một tiếng nói chung”. Tổng thống Nga Putin nhìn nhận, BRICS ngày càng chứng tỏ được “sức nặng” trong các vấn đề quốc tế, thông qua việc kiên quyết phản đối lối hành xử đơn phương trong các quyết định kinh tế, chính trị toàn cầu; mong muốn các quốc gia tiến đến cách tiếp cận chung trong các vấn đề nảy sinh, tránh đối đầu.


Tuyên bố chung khẳng định Liên hợp quốc là thiết chế đa phương quan trọng nhất để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết phải cải cách LHQ, trọng tâm là cải cách Hội đồng bảo an LHQ theo hướng tăng cường tính đại diện, nâng cao hiệu quả, nhằm xử lý tốt các thách thức toàn cầu.


Tại hội nghị, Nga và Trung Quốc đánh giá cao vị thế, vai trò của Brazil, Ấn Độ và Nam Phi trong các vấn đề quốc tế, ủng hộ đề nghị của 3 nước này muốn có vai trò lớn hơn tại LHQ.


Đáng chú ý, trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác với các nước khác, nhất là các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi, các nhà lãnh đạo BRICS đã có phiên họp chung với nguyên thủ các quốc gia thuộc Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai khối, “vì hòa bình, an ninh, phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội trong một trật tự thế giới mới đang ngày càng gắn kết, phức tạp, toàn cầu hóa”.


Giới phân tích nhận định, với tiềm năng, thế mạnh to lớn của từng thành viên, BRICS đang hướng đến một “tầm nhìn chung” nhằm nâng cao vai trò của nhóm với tư cách là một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới, một “người chơi chính” trên bàn cờ quốc tế, hướng tới một trật tự đa cực, “vì lợi ích đa số, tránh tình trạng hậu thuẫn đơn phương chỉ phục vụ lợi ích của một số nước” - như phát biểu của Tổng thống nước chủ nhà Rousseff.

 

Hoài Thanh

BRICS thành lập ngân hàng phát triển 100 tỷ USD
BRICS thành lập ngân hàng phát triển 100 tỷ USD

Lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã thành lập một ngân hàng phát triển chung quy mô 100 tỷ USD và một quỹ dự trữ tiền tệ được ví như Quỹ Tiền tệ Quốc tế thu nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN