Hình ảnh một cô bé Syria với đôi mắt sợ hãi giơ hai tay lên đầu hàng do tưởng nhầm máy ảnh là vũ khí đã khiến cộng đồng mạng trên khắp thế giới nghẹn ngào thương xót.Vào ngày 25/3, phóng viên ảnh Nadia Abu Shaban đã đăng bức ảnh về cô bé 4 tuổi người Syria trên mạng xã hội Twitter và ngay lập tức bức ảnh đã được lan truyền và chia sẻ 11.000 lần. Nhiều người sử dụng mạng tâm sự họ đã rơi nước mắt và cảm thấy "đau lòng vô cùng".
Bức ảnh về cô bé Syria ẩn chứa câu chuyện gây xúc động. |
Đăng kèm bức ảnh là dòng chú thích: “Gương mặt của cô bé bỗng thay đổi. Bé mím chặt môi và dần dần giơ hai tay lên đầu. Cô bé giữ nguyên tư thế như vậy trong sự im lặng. Thật là khó khăn để trấn an cô bé tội nghiệp đã tưởng nhầm máy ảnh là khẩu súng. Bé Adi Hudea mới chỉ 4 tuổi và đã mất cha trong một vụ đánh bom tại Hama, Syria. Cô bé đã đến trại tị nạn Atmen ở biên giới 2 nước Syria - Thổ Nhĩ Kỳ cùng với mẹ và 3 anh chị em”.
Sau khi đã gây bão trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng liền đặt nghi vấn về nguồn gốc của bức ảnh. Sau đó, trang mạng Buzzfeed đưa tin bức ảnh được chụp bởi phóng viên có tên Osman Sağırlı vào năm 2012 và được đăng trên một tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ. Phóng viên Osman Sağırlı đã từng đến nhiều trại tị nạn trên khắp thế giới để tác nghiệp.
Bức ảnh được đăng trên một tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ. |
Trong khi đó, phóng viên của hãng tin BBC đã liên hệ và trao đổi với Sağırlı (hiện đang công tác tại Tanzania) và ông xác nhận là tác giả của bức ảnh này. Theo đó, bức ảnh được chụp vào tháng 12 năm ngoái. Sağırlı cho biết cô bé Hudea đã phải di chuyển quãng đường 150 km từ quê nhà đến trị tị nạn Atmeh cùng với mẹ và 2 anh chị em.
Sağırlı kể lại khi đó ông sử dụng ống kính tele và cô bé đã tưởng nhầm đó là khẩu súng. Sağırlı chân thành bộc bạch: “Bạn biết đấy, qua những đứa trẻ, chúng ta sẽ cảm nhận được rõ hơn về sự mất mát và nỗi đau mà chiến tranh mang lại. Những đứa trẻ thường biểu lộ cảm xúc một cách chân thật nhất bởi sự ngây thơ của chúng”.
Theo BBC, bức ảnh đã được đăng trên tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Türkiye vào tháng 1, Sağırlı đã làm việc tại tờ báo này trong 25 năm và chuyên viết về đề tài chiến tranh cũng như thảm họa thiên nhiên tại nhiều nước trên thế giới.
Kể từ khi nội chiến bùng phát tại Syria vào tháng 3/2011, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho rằng có khoảng 10 triệu người tại đất nước Trung Đông này mất nhà cửa.
Hà Linh (Theo BBC, Buzzfeed)