Theo Politico.eu ngày 20/3, cuộc xung đột Nga-Ukraine đang khiến Bulgaria hướng đến điều không tưởng, độc lập với khí đốt tự nhiên Nga.
Trong nhiều thập kỷ, chính sách năng lượng của Bulgaria đã được định hình dưới áp lực từ các công ty năng lượng của Nga, như nhà sản xuất khí đốt tự nhiên thuộc sở hữu nhà nước Gazprom và tập đoàn dầu khí khổng lồ Lukoil.
Nhưng trong một động thái lịch sử có thể vẽ lại bản đồ năng lượng châu Âu, Phó Thủ tướng Bulgaria Asen Vassilev cho biết, khi thỏa thuận 10 năm của Bulgaria với Gazprom hết hạn vào cuối năm 2022, Sofia sẽ tìm kiếm nguồn cung khác để đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên của mình.
“Trong tình huống này, không thể có các cuộc đàm phán với Gazprom. Có những lựa chọn thay thế”, ông Vassilev nói với Đài phát thanh quốc gia Bulgaria.
Tuyên bố trên của ông Vassilev được đưa ra chỉ vài tháng trước khi một đường ống kết nối mạng lưới khí đốt của Bulgaria với Hy Lạp sắp được hoàn thành, một dự án mà các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu từ lâu đã nghi ngờ Moskva đang tìm cách ngăn chặn.
Bulgaria có mối quan hệ sâu sắc hơn với Moskva so với bất kỳ quốc gia nào trong Liên minh châu Âu, nhưng chính phủ mới của họ, nắm quyền vào tháng 12/2021, đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với phương Tây hơn.
Đường ống trên - được biết đến với tên gọi dự án kết nối Hy Lạp - Bulgaria, sẽ tạo ra sự linh hoạt cho thị trường khí đốt Đông Nam Âu, có khả năng cho phép các nước trong khu vực đa dạng hóa nguồn cung từ khí đốt của Nga và cải thiện kết nối giữa EU với các nhà sản xuất khí đốt Trung Đông và Trung Á.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Alexander Nikolov, dự án sẽ cho phép nước này tăng công suất khí đốt từ 3 lên 5 tỷ mét khối khí đốt nhập khẩu mỗi năm và giúp Sofia kết nối với một trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở thành phố Alexandroupolis của Hy Lạp dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2023.
Sofia cũng sẽ tìm cách tăng nhập khẩu từ Azerbaijan, quốc gia đã cung cấp cho Bulgaria 1 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Ông Vassilev nói: “Đây không chỉ là quan điểm của Bulgaria. Đây là chiến lược chung của châu Âu”, đồng thời viện dẫn thỏa thuận gần đây mà các nhà lãnh đạo EU đưa ra tại hội nghị thượng định ở Versailles (Pháp) nhằm “giảm dần sự phụ thuộc của EU vào khí đốt, dầu và than nhập khẩu của Nga càng sớm càng tốt”.