Thông tin trên được Tổng thống Radev đưa ra sau khi các đảng phái chính trị tại nước này không thể tìm được tiếng nói chung để thành lập chính phủ mới. Bulgaria cần thành lập chính phủ mới sau khi Thủ tướng Nikolai Denkov từ chức vào ngày 5/3 theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực mà đảng của ông là khối "Chúng tôi tiếp tục thay đổi - Liên minh Dân chủ Bulgaria" (PP-DB) và khối trung hữu "Công dân vì sự phát triển châu Âu của Bulgaria" (GERB-UDF) đã nhất trí khi thành lập liên minh cầm quyền hồi tháng 6/2023. Theo thỏa thuận, ông Denkov sẽ giữ chức Thủ tướng trong 9 tháng trước khi chuyển giao quyền lực cho đại diện của GERB-UDF là bà Mariya Gabriel đảm nhận vai trò thủ tướng trong 9 tháng tiếp theo. Thỏa thuận này cũng ràng buộc hai khối phải đạt được đồng thuận về mọi thay đổi trong nội các sau chuyển giao. Trong cuộc bầu cử vào tháng 4/2023, GERB-UDF và PP-DB lần lượt giành được 69 và 64 ghế, trở thành 2 khối chính trị chính trong Quốc hội Bulgaria gồm 240 ghế.
Bất ổn chính trị Bulgaria leo thang khi nỗ lực tìm tiếng nói chung về thành phần nội các mới của hai khối này bế tắc khiến ngày 25/3, bà Mariya Gabriel tuyên bố từ bỏ vị trí ứng cử viên Thủ tướng đại diện cho GERB-UDF. Điều này đã buộc Tổng thống Rumen Radev phải ủy nhiệm lại cho PP-DB thành lập chính phủ mới. Dù vậy, ngày 27/3, PP-DB cũng thông báo không thể đạt đồng thuận với GERB-UDF để thành lập chính phủ mới. Theo quy định trong hiến pháp, Tổng thống Radev tiếp tục ủy nhiệm cho đảng dân túy ITN đứng ra thành lập chính phủ. Tuy nhiên đến ngày 28/3, ITN đã từ chối đề nghị này dẫn tới việc Bulgaria phải tổ chức bầu cử sớm.
Bulgaria là thành viên nghèo nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Trước cuộc bầu cử gần nhất là vào tháng 4/2023, Bulgaria cũng nằm dưới sự điều hành của các chính phủ tạm quyền được Tổng thống Radev bổ nhiệm khi không thể tìm ra một liên minh dân cử ổn định. Theo quy định của hiến pháp, Quốc hội Bulgaria hiện nay không phải giải tán trước khi bầu cử sớm được tổ chức.