Đêm Giao thừa, chính phủ Ấn Độ viết thư gửi tới các bang, khuyến khích họ tuyên truyền đến người dân thực hiện xét nghiệm nhanh kháng thể COVID-19 tại nhà, đặc biệt là đối với những người có triệu chứng nhằm giảm tải sức ép cho hệ thống y tế địa phương.
Trong đợt dịch COVID-19 năm ngoái bùng phát do biến thể Delta gây ra, hệ thống bệnh viện và xét nghiệm đã gặp tình trạng quá tải. Tuy nhiên, tình trạng đó hiện nay đã giảm bớt do lượng người dân tự xét nghiệm tại nhà ngày một nhiều.
Theo hãng tin AP, trong 20 ngày đầu tiên của năm, khoảng 200.000 người đã chia sẻ kết quả xét nghiệm của họ với cơ quan y tế Ấn Độ - gấp 66 lần so với số lượng cả năm 2021. Rõ ràng chiến lược đã đạt được hiệu quả. Những ai có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được yêu cầu tự cách ly tại nhà, cho phép bệnh viện còn chỗ cho những người bị nguy cơ cao hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là một phần số lượng thực tế xét nghiệm tại nhà. Mặc dù đã có quy định yêu cầu người xét nghiệm nhanh phải báo kết quả với giới chức song nhiều người đã không làm vậy. Điều này có nghĩa là dữ liệu mà chính phủ thu thập được ít chính xác đi và có nguy cơ không ngăn chặn được những ổ dịch mới trong tương lai.
Đây là tình trạng mà một số tiểu bang ở Ấn Độ đang gặp phải và bày tỏ quan ngại. Tại Maharashtra, quan chức y tế bang - Tiến sĩ Pradeep Vyas đã kêu gọi tất cả người tự xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà trình báo kết quả. Vì những bộ xét nghiệm nhanh không phân biệt được biến thể omicron và biến thể delta, ông cảnh báo vẫn có những ca mắc cần được chăm sóc tại bệnh viện.
“Bỗng dưng cơ sở y tế của chúng ta lại gặp sức ép”, ông đề cập trong bức thư gửi cho quan chức địa phương vào tháng trước.
Từ tháng 1/2022, hiệu thuốc trên toàn quốc chứng kiến sức mua các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 kỷ lục.
“Nếu tôi đoán không nhầm, chỉ có khoảng 20% người tự xét nghiệm tại nhà khai báo kết quả. Nếu bạn không báo lại cho chính quyền, mẫu thử của bạn sẽ không được phân tích, từ đó chúng ta cũng mất dấu lây nhiễm và không biết loại biến thể đó là gì”, ông K Srinath Reddy, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Cộng đồng Ấn Độ, nhận định.
Trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn đang lan rộng khắp châu Á, nhiều quốc gia gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa mức độ chính xác và tốc độ trong triển khai xét nghiệm nhanh tại nhà để đảm bảo bệnh viện không bị quá tải.
Tại Hàn Quốc, các quan chức ngày 16/2 cho biết các bộ xét nghiệm nhanh sẽ được phát miễn phí tại các trường mẫu giáo, trường tiểu học và các trung tâm phúc lợi bắt đầu từ tuần tới sau làn sóng nhiễm biến thể Omicron chưa từng có. Các nhà chức trách đã bắt đầu chuyển chiến lược từ xét nghiệm PCR sang xét nghiệm nhanh. Người dân có thể mua các bộ xét nghiệm tại nhà ở các hiệu thuốc và cửa hàng tiện lợi hoặc làm xét nghiệm miễn phí tại các phòng khám y tế công cộng. Bất kỳ ai có kết quả dương tính sẽ được làm xét nghiệm PCR.
Tại Ấn Độ, các quan chức đang dựa vào một cơ sở dữ liệu tập trung, nơi nhận kết quả xét nghiệm của người dân qua ứng dụng điện thoại. MyLab, công ty đầu tiên được phê duyệt sản xuất bộ test kit tại nhà, tiết lộ mỗi ngày họ sản xuất được 500.000 bộ. Saurabh Gupta, trưởng bộ phận chiến lược của MyLab, cho hay doanh số bán hàng của họ đã tăng gấp 10 lần so với quý trước. Cho đến nay, Ấn Độ đã phê duyệt 8 bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà, dao động mức giá từ 2 USD (khoảng 45.000 đồng) đến 33 USD (752.000 đồng).
Các chuyên gia khuyến cáo các bộ xét nghiệm nhanh không chính xác bằng xét nghiệm PCR và có khả năng cho kết quả âm tính giả cao hơn.
Parul Saxena, một người nội trợ ở New Delhi, đã tự xét nghiệm tại nhà vào tháng trước và nhận kết quả âm tính. Nhưng khi tình trạng đau nhức cơ thể và sốt vẫn diễn ra, cô đã đi làm xét nghiệm PCR. Kết quả cho thấy cô dương tính với COVID-19.
Một mối lo khác mà các chuyên gia quan tâm là các bộ xét nghiệm nhanh có thể không phát hiện được biến thể mới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng không nhất thiết các ca dương tính phải được báo lên chính quyền.
“Hiện tại, đó không phải là ưu tiên lớn nhất. Quan trọng là chúng ta phải đảm bảo nếu mọi người mắc COVID-19, hệ thống y tế của chúng ta phải đảm bảo cung ứng đủ”, Chủ tịch Reddy nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ashley St. John – Phó Giáo sư tại Đại học Y khao Duke-NUS ở Singapore – bày tỏ đồng quan điểm, cho rằng những yếu tố khác quan trọng hơn.
“Tôi nghĩ ưu tiên về việc thu thập dữ liệu chính xác về số ca dương tính đã giảm bớt khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên. Chúng tôi biết rằng nhiều người được tiêm chủng vẫn cho kết quả dương tính ngay cả khi họ không có biểu hiện triệu chứng hoặc trở bệnh nặng. Chúng ta phải chấp nhận virus SARS-CoV-2 là đặc hữu và không thể dõi theo từng người một”, bà kết luận.