Đây là vị thủ tướng Nhật Bản thứ hai liên tiếp sau Thủ tướng Shinzo Abe lựa chọn Việt Nam làm điểm dừng chân số một trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước được đánh giá đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Vì vậy, giới chính trị và học giả hai nước đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm này.
Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 9/1973. Trong hai thập niên gần đây, quan hệ Việt-Nhật đã phát triển hết sức tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực nhờ sự tương đồng về văn hóa và các lợi ích chiến lược. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Đáng chú ý, hiện nay, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 40 tỷ USD; là nhà đầu tư lớn thứ hai trong số 1 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 4.595 dự án và tổng số vốn đăng ký đến tháng 9/2020, đạt gần 59.870 tỷ USD; và là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác, khuôn khổ quan hệ giữa hai nước đã không ngừng được nâng cấp, từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” vào năm 2002 lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào năm 2006, “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào năm 2009 và “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” vào năm 2014.
Đánh giá về sự phát triển quan hệ hai nước, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam nhấn mạnh: “Trong 47 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành hai quốc gia gắn bó và tin cậy trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, và ngược lại Việt Nam cũng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Nhật Bản”.
Đáng chú ý, theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, trong hơn 10 năm qua, nhất là dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe, tất cả các số liệu về sự hợp tác giữa hai nước đều tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và giao lưu nhân dân. Điều đó cho thấy quan hệ Việt-Nhật đã trở thành kiểu mẫu cho mối quan hệ hữu nghị, đôi bên cùng có lợi, tạo ra nền tảng cho sự hợp tác vì ổn định và hòa bình của khu vực Đông Nam Á và khu vực rộng lớn hơn.
Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng quyết định của Thủ tướng Suga Yoshihide lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên là sự kế thừa xuyên suốt chính sách của Nhật Bản trong các thời kỳ đã qua, đặc biệt là thời chính quyền của Thủ tướng Abe. Điều đó thể hiện sự coi trọng của Nhật Bản đối với Việt Nam nói riêng và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung, đồng thời thể hiện Nhật Bản coi nước này là một bộ phận không thể tách rời của một khu vực rộng lớn hơn, trong đó các quốc gia Đông Nam Á.
Cùng chung quan điểm đó, chuyên gia Hiroyuki Moribe, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam (Nhật Bản), nhận định: “Trước đây, cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã chọn Việt Nam và Indonesia là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, và Thủ tướng Suga Yoshihide đã cam kết kế thừa chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm. Có lẽ đây là lý do khiến Thủ tướng Suga Yoshihide đã đưa ra quyết định như vậy”. Chuyên gia này nhấn mạnh Việt Nam là đối tác cực kỳ quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Điều này được minh chứng khi Việt Nam là một trong số ít các nước được Nhật hoàng đến thăm. Một điểm quan trọng khác là Việt Nam là một trong số không nhiều nước trên thế giới có quan hệ gần gũi với Nhật Bản và hai nước hiện cùng chia sẻ nhiều lợi ích chung.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ chính là một trong hai lý do dẫn tới việc Thủ tướng Suga Yoshihide lựa chọn Việt Nam làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Lý do thứ hai là Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2020, đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với ASEAN.
Trên cơ sở nền tảng vững chắc đã được thiết lập trong nhiều thập niên qua, giới chính trị và học giả hai nước đều kỳ vọng chuyến thăm sẽ góp phần củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ Việt-Nhật. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 15/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam “tin tưởng chuyến thăm sẽ diễn ra tốt đẹp, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản cũng như góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của hai nước sau đại dịch COVID-19”.
Trong cuộc họp báo ở Tokyo một ngày sau đó, quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản chia sẻ phía Nhật Bản hy vọng chuyến thăm này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản hướng tới sự phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19; tăng cường hợp tác song phương trong việc giải quyết các vấn đề khu vực; và phát triển quan hệ hướng tới tương lai giữa hai nước.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 12/10, Thủ tướng Suga Yoshihide đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, đồng thời bày tỏ mong muốn đưa hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới. Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược, quan trọng hàng đầu, lâu dài; bày tỏ mong muốn tiếp tục cùng Nhật Bản tích cực thúc đẩy hợp tác song phương cũng như trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Đề cập các nội dung cụ thể của chuyến thăm, chuyên gia Moribe nhận định hiện nay, số lượng người lao động làm việc tại Nhật Bản ngày càng tăng và có thể nói, nguồn lao động từ Việt Nam là bộ phận không thể thiếu để hình thành lực lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Do đó, Thủ tướng Suga Yoshihide có thể bày tỏ cảm ơn đối với sự hợp tác của Việt Nam trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, theo chuyên gia Moribe, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện nay, hoạt động đi lại của công dân hai nước còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các nhà lãnh đạo hai nước có thể sẽ trao đổi để đưa hoạt động đi lại giữa hai nước diễn ra thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Mặt khác, do Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc kiểm soát dịch COVID-19, chuyên gia Moribe tin rằng Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ đặt rất nhiều câu hỏi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc Việt Nam đã làm thế nào để kiểm soát tốt được dịch COVID-19, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh này.
Về phần mình, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết nội dung của chuyến thăm sẽ bao quát toàn bộ mối quan hệ trong khuôn khổ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trước hết, về mặt kinh tế, các nhà lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về các biện pháp để tiếp tục củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Thứ hai, trong bối cảnh nhiều thách thức đang nổi lên ở châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, và Nhật Bản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề an ninh và ổn định của khu vực, các vấn đề an ninh, chính trị, quan hệ ngoại giao và hợp tác trên trường quốc tế sẽ là một nội dung quan trọng khác trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo hai nước.
Ngoài ra, Đại sứ Vũ Hồng Nam cũng kỳ vọng các nhà lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi rất kỹ về sự hợp tác trong việc phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là việc mở cửa biên giới và mở các chuyến bay thương mại giữa hai nước để tạo cơ hội cho các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân tiếp tục duy trì và phát triển.
Có thể nói, việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức một lần nữa cho thấy Nhật Bản coi trọng quan hệ với Việt Nam, đồng thời thể hiện quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, có sự tin cậy cao. Đây là cơ sở vững chắc để hai bên tiếp tục hợp tác đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới, ngày càng toàn diện, thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.