ByteDance công bố thông tin trên trong bối cảnh còn chưa đầy 3 ngày nữa sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc TikTok đạt được thỏa thuận chuyển nhượng về quyền vận hành ứng dụng này tại Mỹ vào ngày 20/9 có hiệu lực.
Theo hãng tin Reuters, đề xuất mà ByteDance gửi tới giới chức Mỹ ngày 16/9 bao gồm việc thành lập trụ sở tại Mỹ và vẫn cho phép ByteDance nắm phần lớn cổ phần của TikTok. Đề xuất này sẽ được Ủy ban đầu tư nước ngoài (CFIUS), do Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đứng đầu, thẩm định.
Một số cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ cho rằng ByteDance sẽ phải dốc sức để thuyết phục Nhà Trắng chấp nhận đề xuất trên. Tuy nhiên, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện rõ quan điểm không ủng hộ với đề xuất mà trong đó ByteDance vẫn được nắm phần đa số cổ phần của TikTok. Ông cho biết chưa nhận được thông tin chính thức về vấn đề này. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm sẽ có thông báo về đề xuất của ByteDance, và ông sẽ xem xét đề xuất của công ty này vào ngày 17/9.
Các chuyên gia của CFIUS nhận định trong trường hợp ông Trump thông qua đề xuất nói trên, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải sửa đổi sắc lệnh đã ký ngày 14/8 buộc ByteDance ngừng hoạt động tại Mỹ - điều mà không một tổng thống Mỹ nào thực hiện trong lịch sử khi cân nhắc đến an ninh quốc gia.
Trước đó, ByteDance đã từ chối nhượng lại hoạt động tại thị trường Mỹ cho tập đoàn Microsoft. Một số nguồn thạo tin cho biết ByteDance đã từ bỏ ý định bán các hoạt động của TikTok ở Mỹ, thay vào đó quyết định theo đuổi quan hệ đối tác với Oracle với hy vọng tránh lệnh cấm của Mỹ vốn xuất phát từ quan ngại TikTok đe dọa an ninh nước này.
Các chuyên gia cho biết đã từng có trường hợp CFIUS cho phép các công ty nước ngoài tiếp tục sở hữu những tài sản tại Mỹ có tính nhạy cảm bằng cách áp đặt các biện pháp giám sát và hạn chế đối với sự vận hành của các công ty nước ngoài này.
Tập đoàn máy tính Lenovo của Trung Quốc đã mua hãng IBM của Mỹ vào năm 2005 và Tập đoàn Softbank của Nhật Bản đã mua công ty vô tuyến Sprint của Mỹ năm 2013 sau khi chấp nhận các điều kiện của CFIUS như cho phép chính phủ Mỹ có tiếng nói trong hội đồng quản trị và các mối quan hệ với nhà cung cấp.
Các nguồn thạo tin tiết lộ ByteDance đã đề nghị với CFIUS các nhượng bộ tương tự. Một luật sư của Fox Rothschild LLP nhận định: "Kể cả nếu chi nhánh của một công ty là mối quan ngại với CFIUS, chừng nào chi nhánh đó còn được khu biệt để tuân thủ các yêu cầu của CFIUS thì thương vụ vẫn có thể được tiến hành. CFIUS đã từng yêu cầu và hài lòng với các trường hợp như vậy trong quá khứ".
Các chuyên gia CFIUS cho biết thêm một trở ngại nữa đối với ByteDance là đề xuất giành cho Oracle cổ phần thiểu số trong khi trao cho tập đoàn công nghệ Oracle tiếp quản quyền điều hành dữ liệu người dùng của ByteDance và đảm bảo kho dữ liệu này được bảo mật với Trung Quốc. CFIUS thường đề nghị các bên có trách nhiệm đối với các thỏa thuận liên quan đến an ninh phải đảm bảo tính độc lập của các đơn vị chịu trách nhiệm giám sát.
Chẳng hạn, khi CFIUS cho phép tập đoàn China Oceanwide Financial Holdings Group mua công ty bảo hiểm Genworth Financial của Mỹ cách đây hai năm, CFIUS đã yêu cầu đưa một nhà cung cấp dịch vụ tại Mỹ vào làm bên thứ ba để quản lý dữ liệu của khách hàng bảo hiểm Mỹ và nhà cung cấp này không có cổ phần trong Genworth.
Các chuyên gia cho rằng CFIUS muốn một bên thứ ba không có cổ phần sở hữu và trách nhiệm an ninh vì CFIUS cần một đối tác doanh nghiệp Mỹ tin cậy. Trong khi đó, ByteDance đang tiến cử Oracle với tư cách là "một đối tác công nghệ đáng tin cậy".
Chính phủ Mỹ lo ngại dữ liệu cá nhân của khoảng 100 triệu người Mỹ sử dụng TikTok có thể rơi vào tay chính phủ Trung Quốc.
Trong phản ứng mới nhất liên quan đến vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/9 kêu gọi Mỹ tôn trọng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng.