Với số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua lên tới 745 người - mức cao nhất từ trước tới nay, Chính phủ Thái Lan đã xếp 28 tỉnh, thành, trong đó thủ đô Bangkok, là các khu vực có nguy cơ cao, đồng thời yêu cầu người dân làm việc ở nhà, tránh tụ tập hoặc đi ra ngoài tỉnh. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định chính phủ luôn lưu tâm tới nguy cơ thiệt hại kinh tế do các biện pháp hạn chế. Ông nhấn mạnh chính phủ không muốn tiến hành phong tỏa toàn quốc, do đó, người dân cần tránh ra khỏi nhà.
Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 8.439 ca mắc COVID-19, trong đó có 65 người không qua khỏi. Hầu hết các ca nhiễm mới đều liên quan tới "ổ dịch" người lao động nhập cư, bùng phát ở tỉnh Samut Sakhon, phía Tây Nam thủ đô Bangkok. Hiện "ổ dịch" này đã lây lan sang hơn 1/2 số tỉnh, thành của Thái Lan. Chính quyền thủ đô Bangkok đã yêu cầu các nhà hàng và người bán thức ăn đường phố ngừng dịch vụ ăn tại chỗ từ 19h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 5/1. Việc bán hàng mang đi vẫn được phép. Việc bán rượu tại các nhà hàng cũng bị cấm và các quán bar, cơ sở giải trí phải đóng cửa tại các tỉnh có nguy cơ cao. Các trường học và cơ sở giáo dục trên cả nước cũng phải đóng cửa trong 1 tháng.
Trong khi đó, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản cũng thông báo ghi nhận thêm 1.300 ca nhiễm mới - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Phát biểu với báo giới tại cuộc họp báo đầu Năm mới, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết hiện chính phủ đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh, thành lân cận trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 9/1. Động thái trên được đưa ra sau khi ông Suga đã nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc tính đến biện pháp đặc biệt, sau biện pháp được áp đặt hồi tháng 4/2019, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo luôn chiếm khoảng 1/2 tổng số 3.000 ca nhiễm mới trên cả nước trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, Thủ tướng Suga cũng ngụ ý rằng tình trạng khẩn cấp lần này có khả năng sẽ không nghiêm ngặt như năm 2019, theo đó, các hoạt động kinh tế-xã hội sẽ không bị đình trệ trên cả nước.
Một số quan chức Nhật Bản cho rằng chính phủ có thể yêu cầu người dân ở nhà nhiều hơn, song sẽ không đóng cửa trường học.
Chính quyền thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận gồm Chiba, Kanagawa và Saitama đã kiến nghị chính quyền trung ương ban bố tình trạng khẩn cấp tại các khu vực này. Tính trên phạm vi cả nước trong ngày 3/1, Nhật Bản đã phát hiện 3.158 ca nhiễm mới, đưa tổng số người mắc COVID-19 ở nước này lên 245.924 người. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này ở trên ngưỡng 3.000 người. Nhật Bản cũng có thêm 60 người tử vong vì dịch COVID-19, nâng tổng số người tử vong lên 3.645. Hiện tại, Nhật Bản có 714 bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nguy kịch.
* Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, New Zealand đã siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới do lo ngại về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang làm gia tăng các ca mắc COVID-19 ở nước ngoài.
Thông báo của Bộ Y tế New Zealand nêu rõ tất cả những ai đến từ Anh và Mỹ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay tới nước này, cũng như sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm 2 lần trong thời gian cách ly bắt buộc tại đây. Bộ trên khẳng định đây là "các bước phòng ngừa bổ sung để tạo ra một lớp bảo vệ mới" đối với biến thể mới của virus SARS-CoV-2, hiện đã được phát hiện ở hơn 30 quốc gia.
Trong 2 tuần trước Giáng sinh, New Zealand đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có 5 trường hợp đến từ Anh và 1 trường hợp từ Nam Phi, tại các cơ sở cách ly sau nhập cảnh.
Kể từ ngày 18/11/2019, New Zealand đã không phát hiện trường hợp lây nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng, nhưng cho đến nay, nước này vẫn hầu như đóng cửa đối với những người nước ngoài.