Theo kênh CNBC, ngày 22/7, Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ, cho rằng biến thể Delta là một trong những chủng virus gây bệnh hô hấp lây lan mạnh nhất mà các nhà khoa học từng biết tới.
Theo dữ liệu mới, biến thể Delta lây lan mạnh, phần lớn là vì người nhiễm biến thể này có thể có tải lượng virus trong mũi cao gấp 1.000 lần so với nhiễm virus gốc.
Bà Walensky nói: “Đây là một trong những chủng virus gây bệnh hô hấp dễ lây lan nhất mà tôi từng biết trong 20 năm sự nghiệp… Virus này không có lý do dừng lây lan và nó tiếp tục tìm những người dễ bị tổn thương tiếp theo để lây nhiễm”.
Biến thể Delta đã lan nhanh chóng khắp nước Mỹ, chiếm hơn 83% số ca mắc ở Mỹ hiện tại, tăng so với tỷ lệ 50% trong tuần tính từ ngày 3/7. So với tuần trước, số ca mắc mới trung bình (tính theo giai đoạn 7 ngày) tăng 53%, số ca nhập viện tăng 32% và số ca tử vong cũng tăng 19%.
Biến thể Delta đang hoành hành ở những hạt tại Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng thấp, còn những hạt có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn thì có số ca mắc mới thấp hơn.
Ba bang là Florida, Texas và Missouri có tỷ lệ tiêm chủng thấp chiếm tới 40% tổng ca mắc mới toàn quốc. Riêng tại bang Florida, trong tuần thứ hai liên tiếp, cứ 5 ca mắc mới ở Mỹ thì có 1 ca ở bang này.
Tại các bệnh viện khắp nước Mỹ, 97% ca nhập viện đều chưa tiêm vaccine và 99,5% ca tử vong xảy ra ở người chưa tiêm vaccine.
Bà Walensky cảnh báo: “Chúng ta lại ở giai đoạn quan trọng trong đại dịch khi số ca mắc lại tăng và một số bệnh viện đã hoạt động hết công suất ở một số khu vực. Chúng ta cần đoàn kết”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Ashish Jha, Trưởng khoa Y tế công cộng tại Đại học Brown, cũng cảnh báo rằng mọi người đang đánh giá thấp diễn biến COVID-19. Ông nói: “Chúng ta sắp trải qua tháng 8 rất khó khăn và có lẽ cả tháng 9 rất khó khăn rồi mới có thể thay đổi tình hình”.
Ông Jha cho biết tỷ lệ lây nhiễm có thể tệ hơn nếu vào mùa đông và dự báo số ca mắc biến thể Delta có thể đạt đỉnh sau hai tháng nữa. Ông nói: “Dịch có thể đạt đỉnh vào tháng 9, nhưng chúng ta còn lâu mới tới giai đoạn đó. Hiện nay, chúng ta có khoảng 40.000 ca/ngày và số ca sẽ tăng mạnh rồi mới đạt đỉnh”.
Theo mô hình dự báo mới công bố ngày 21/7 của Trung tâm Mô hình Kịch bản COVID-19, làn sóng dịch bệnh hiện nay sẽ tăng đều qua mùa hè và mùa thu, đạt đỉnh vào giữa tháng 10 với số ca tử vong hàng ngày tăng hơn gấp ba hiện nay.
Ông Justin Lessler, nhà dịch tễ học tại Đại học Bắc Carolina, người tham gia vận hành trung tâm mô hình nói trên, cho biết: “Điều đang diễn ra ở Mỹ cho thấy virus đang thể hiện đúng như dự đoán bi quan nhất của chúng ta. Chúng ta có thể thấy hậu quả khi mọi người trở nên bớt thận trọng”.
Theo ông Lessler, vào tháng 10 tới, virus sẽ lây nhiễm cho rất nhiều người dễ bị tổn thương. Tại thời điểm đó, miễn dịch cộng đồng bắt đầu có tác dụng mạnh hơn và Mỹ sẽ chứng kiến các chỉ số giảm lần nữa. Mô hình dự báo tới tháng 1/2022, số ca tử vong ở Mỹ sẽ giảm xuống khoảng 300 ca/ngày.
Ông William Hanage, nhà dịch tễ tại khoa y tế công cộng T.H.Chan thuộc trường Harvard, nhận định rằng thông điệp của mô hình nói trên là đại dịch chưa qua. Ông nói: “Tôi cho rằng Delta rất dễ dẫn tới siêu lây nhiễm. Nếu tôi đúng, biến thể này có thể phát nổ như bom ở những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp”.
Trước tình hình đó, các chuyên gia cho rằng vẫn có thể giảm thiệt hại về người nếu có chính sách đúng đắn và hành vi phù hợp. Ông Lessler nói: “Tôi cho rằng các bang có lẽ cần nghĩ lại về việc bỏ yêu cầu đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội. Đây là điều cần làm nếu muốn kiểm soát ca bệnh”.
Trước đó, ngày 21/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta sẽ trở thành biến thể chủ đạo, gây ra phần lớn các ca bệnh COVID-19 trên toàn thế giới chỉ trong vài tháng tới. Sau khi xuất hiện ở Ấn Độ đầu tiên, Delta đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gien tại nhiều quốc gia lớn.