Tỷ lệ tử vong ở Mỹ cao hơn 15% so với mức bình thường - con số chỉ kém bốn quốc gia lớn khác trong cùng nhóm thu nhập là Chile, Séc, Ba Lan và Romania.
Trên toàn cầu, nhiều quốc gia thu nhập thấp và đang phát triển phải gánh chịu thiệt hại nặng nề hơn, song tỷ lệ tử vong ở Mỹ lại tăng cao hơn so với một số quốc gia nghèo hơn như Argentina và Philippines.
Trong suốt đại dịch, Mỹ và những quốc gia giàu có khác đã được tiếp cận với phần lớn nguồn cung thiết bị y tế quan trọng như vaccine, thuốc kháng virus, khẩu trang và bộ xét nghiệm. Mặc dù hầu hết các nước này có bộ phận dân số già hơn và dễ bị tổn thương hơn, song họ lại được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ kinh tế.
Một số quốc gia có tỷ lệ tử vong gia tăng lớn nhất trong hai năm đầu tiên của đại dịch là những quốc gia thuộc nhóm thu nhập trên mức trung bình: Ecuador, Mexico và Peru. Nhưng nhiều quốc gia có thu nhập thấp nhất - bao gồm hầu hết các quốc gia châu Phi - không được đưa vào biểu đồ vì dữ liệu của họ kém tin cậy hơn.
Một số quốc gia đã phải nỗ lực nhiều hơn những quốc gia khác để thống kê chính xác số ca tử vong liên quan đến đại dịch. Số liệu của WHO cho thấy số ca tử vong toàn cầu nhiều gấp đôi số ca được các chính phủ trên toàn thế giới báo cáo.
Ở những nước thu nhập cao nhất, chênh lệch giữa số ca tử vong do COVID-19 được báo và tỷ lệ tử vong trên mức bình thường ở mức nhỏ, có lẽ là do số người chết tương đối thấp hơn, cũng như có đủ cơ sở hạ tầng để theo dõi.
Trên toàn thế giới, khoảng 15 triệu người, tức 13%, đã tử vong ngoài dự báo trong 2 năm đầu tiên của đại dịch.
Ước tính mới nhất của WHO là những gì nhiều nhà khoa học cho là thước đo đáng tin cậy nhất về tác động chung của đại dịch cho đến nay. Con số tử vong vượt mức dự báo cho thấy sự khác biệt giữa số người chết trong năm 2020 và năm 2021 và số người sẽ chết trong thời gian đó nếu đại dịch không xảy ra. Người tử vong ngoài mức dự báo là những người chết vì virus SARS-CoV-2 nhưng không được xét nghiệm, hoặc vì các bệnh có thể phòng ngừa khác khi hệ thống bệnh viện quá tải vì COVID-19.
Ở các nước như Australia, Trung Quốc và Nhật Bản, số ca tử vong trong năm 2020 và 2021 do WHO ước tính thực tế lại thấp hơn bình thường. WHO cho biết các nước này có thể chứng kiến tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân khác giảm xuống nhờ kết quả của những biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Vì WHO dựa vào số liệu thống kê về tử vong và dân số được báo cáo một phần bởi các cơ quan chính phủ, một số dữ liệu có thể không đủ chính xác ở các quốc gia có năng lực theo dõi kém.
Theo trang thống kê worldometers.info, toàn thế giới có hơn 519 triệu ca mắc, trong đó Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước có số ca mắc cao nhất thế giới với tổng số ca mắc tại 3 nước này vào khoảng 158 triệu ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ cũng đã vượt 1 triệu ca hồi đầu tuần.
WHO kêu gọi người dân kiên trì với các biện pháp chống dịch trên nhiều mặt trận. Cụ thể là tiếp tục bảo vệ những người dễ bị tổn thương, tiếp tục theo dõi sự lây lan và đột biến của virus, đảm bảo hệ thống y tế sẵn sàng ứng phó với bất cứ tình huống của dịch bệnh và giải quyết những tác động lâu dài của dịch.