Theo kết quả khảo sát do công ty sản xuất vaccine Moderna Biotech Singapore và Liên minh Tiêm chủng châu Á Thái Bình Dương (APIC) thực hiện đối với 1.219 người trưởng thành, thăm dò ý kiến về thái độ, kiến thức và hành vi của họ đối với COVID-19, khoảng 87% người trả lời tin rằng COVID-19 không gây rủi ro cao đối với sức khỏe của họ, trong khi hơn 35% cho biết họ không có kế hoạch tiêm vaccine nhắc lại trong tương lai.
Tiến sĩ Ong Kian Chung, Chủ tịch Hiệp hội bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) của Singapore, cho biết: “Số lượng người nói rằng họ sẽ không tiêm nhắc vaccine COVID-19 là một điều đáng báo động bởi vì chúng ta vẫn đang phải đối phó với loại virus gây hại không chỉ ở đây mà còn nhiều nơi khác, nên chúng ta cần tự bảo vệ mình, đặc biệt là trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và mọi người đang du lịch trở lại”.
Tương tự, đồng Chủ tịch APIC Tikki Pangestu cũng bày tỏ sự thất vọng trước kết quả thăm dò, nói rằng kết quả khảo sát cho thấy người dân có phần chủ quan. Ông kêu gọi công chúng cập nhật thông tin về việc tiêm chủng, ngay cả khi Singapore coi virus này là một bệnh đặc hữu.
“Có một sự hiểu lầm về định nghĩa ‘đặc hữu'. Chuyển từ trạng thái đại dịch sang bệnh đặc hữu chỉ là thay đổi tên gọi. Đặc hữu không có nghĩa là mang rủi ro thấp. Virus vẫn còn đó. Đối với những người dễ bị tổn thương, nó vẫn có thể gây ra (bệnh tật) nghiêm trọng và thậm chí tử vong”, ông Tikki lý giải.
Theo kết quả khảo sát, ngay cả trong những người có nguy cơ cao, phần lớn họ cũng không coi COVID-19 là một mối đe dọa nghiêm trọng.
Cuộc thăm dò bao gồm những người tham gia từ các nhóm dân số dễ bị tổn thương về mặt y tế, bao gồm cả những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và bệnh phổi mãn tính. Khoảng 77% những người được hỏi cho biết họ không tin rằng virus SARS-CoV-2 có nguy cơ cao đối với sức khỏe của họ. Gần 30% không có ý định tiêm nhắc lại.
Trong số những người được khảo sát từ 60 tuổi trở lên, khoảng 85% không coi COVID-19 là bệnh nguy cơ cao và hơn 37% không có kế hoạch tiêm chủng.
Các chuyên gia y tế cảnh báo người già, người suy giảm miễn dịch hoặc những người mắc bệnh mãn tính dễ mắc COVID-19 hơn và tăng khả năng bị nhiễm trùng nặng.
Giáo sư Pangestu cho biết: “Điều đáng lo ngại là những nhóm này không nghĩ rằng COVID-19 rủi ro cao và khá nhiều người không sẵn sàng tiêm tăng cường”.
“Vai trò của vaccine thực sự là mang lại sự bảo vệ tổng thể cho dân số nói chung. Tỷ lệ tiêm chủng cao đồng nghĩa với việc ít người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, sẽ phải nhập viện hơn”, giáo sư Tikki nhận định.
Vị chuyên gia này nói thêm mức độ tiêm chủng cao sẽ làm giảm sự lây lan của virus và khả năng xuất hiện các biến thể mới. Ông nhấn mạnh việc giảm tỷ lệ tiêm vaccine bổ sung trên toàn cầu có khả năng liên quan đến làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện tại cũng như biến thể phụ Arcturus mới.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra lý do tại sao một số người lại do dự với suy nghĩ tiêm vaccine bổ sung.
Hơn một nửa số người được hỏi cho biết họ sợ các biến chứng sức khỏe tiềm ẩn và tác dụng phụ do mũi tiêm gây ra hơn là bản thân nhiễm virus. Đặc biệt, ở nhóm tuổi trên 60, hơn 60% cho biết họ e ngại vì điều đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine ngừa COVID-19 vẫn rất hiếm và lợi ích vẫn vượt xa rủi ro.
Tiến sĩ Ong cho biết: “Rủi ro của vaccine ngừa COVID-19 thấp hơn nhiều so với các biến chứng mà một người có thể có từ chính căn bệnh này. Việc chúng ta tiêm vaccine để phần lớn dân số miễn nhiễm với COVID-19 là hợp lý và đã được khoa học chứng minh. Đó là cách tốt nhất để đối phó với đại dịch”.