Theo đó, các bên đã có cuộc thảo luận trực tuyến không chính thức kéo dài 2 giờ, kêu gọi Tehran "gắn bó" với thỏa thuận này.
Quan chức phụ trách các vấn đề đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Helga Schmid, trong thông báo đưa ra sau cuộc thảo luận, cho biết: "Đại diện các bên tham gia JCPOA đã thảo luận về cách thức nhằm đảm bảo thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận ký kết năm 2015 này".
Mặc dù không nêu cụ thể những khó khăn hiện nay, song bà Schmid cho rằng JCPOA đang dần được tháo gỡ những nút thắt, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Đáp trả quyết định của Washington, Tehran tuyên bố đình chỉ thực hiện các cam kết của mình đối với thỏa thuận mà phải mất gần 12 năm mới hoàn tất. Mới đây, Iran còn lên kế hoạch lắp đặt các máy ly tâm hiện đại tại nhà máy làm giàu urani Natanz.
Trước đó, ngày 9/12, Tổng thống Rouhani cũng tuyên bố nước này sẵn sàng trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân JCPOA ngay sau khi các bên còn lại tôn trọng những cam kết của mình. Bên cạnh đó, ông cũng nhắc lại quyết tâm nắm bắt "cơ hội" trong bối cảnh nước Mỹ có tổng thống mới lên lãnh đạo vào tháng 1/2021, bất chấp những lời chỉ trích từ phe bảo thủ.
Tổng thống Rouhani đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh JCPOA - được Iran cùng các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức ký kết năm 2015 - đang đứng trước bờ vực sụp đổ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này năm 2018.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã thể hiện sẵn sàng quay lại thỏa thuận nhưng trong 18 tháng qua, Iran đã đình chỉ việc thực hiện một số cam kết, trong đó có việc tuân thủ các giới hạn chính đối với chương trình làm giàu urani của nước này. Ông Biden đã cho thấy khả năng Washington có thể quay lại JCPOA như là điểm khởi đầu để thực hiện các cuộc đàm phán hạt nhân tiếp theo nếu Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận.