Các bên miền đông Ukraine chưa thực hiện thỏa thuận Geneva

Kết quả đạt được tại Hội nghị 4 bên ở Geneva vừa qua được xem là một dấu hiệu tích cực góp phần “tháo ngòi nổ” xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, trước mắt là rất nhiều thách thức, đòi hỏi sự “thực tâm” và quyết tâm của các bên, đặc biệt là ở miền đông Ukraine.


Tiếp tục chiến dịch “chống khủng bố”


Ít phút sau khi “thông cáo Geneva” được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, quyền Ngoại trưởng Ukraine Andrey Deshchytsa tuyên bố, thỏa thuận này sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch “chống khủng bố” ở miền đông. Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine (SBU) thậm chí còn khẳng định chiến dịch này vẫn “đang tiếp diễn và sẽ kéo dài cho tới khi không còn phần tử khủng bố nào”. Chính phủ Ukraine ngày 18/4 cũng đã cảnh báo sẽ có "những hành động cụ thể hơn" vào tuần tới nếu những người biểu tình không chấm dứt hành động chiếm đóng các cơ quan công quyền chiểu theo những điều khoản trong thỏa thuận Geneve đạt được hôm 17/4 vừa qua.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và đồng cấp người Nga Sergei Lavrov tại cuộc gặp song phương ở Geneva ngày 17/4. Ảnh: AFP/TTXVN

 


Trong khi đó, người biểu tình ủng hộ liên bang hóa tại miền đông Ukraine cũng không tỏ ý sẽ nhượng bộ chính quyền. Sergei Tsyplakov, tư lệnh cấp cao lực lượng tự vệ vùng Donetsk, ngày 18/4 nhấn mạnh, người dân sẽ chỉ rời khỏi các tòa nhà chiếm giữ, chấm dứt biểu tình nếu chính quyền “thả tất cả các tù nhân chính trị, chấm dứt ngược đãi, buộc các phần tử cực hữu hạ vũ khí và đưa ra lộ trình rõ ràng về trưng cầu dân ý về hệ thống chính trị ở Ukraine”.


Việc thực thi thỏa thuận Geneva còn đối mặt với khó khăn lớn, khi mà Mỹ và phương Tây dường như vẫn tiếp tục cách hành xử “thiên lệch”. Tại phiên họp ở Strassbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết “ủng hộ tuyệt đối và đoàn kết với chính phủ Ukraine trong các nỗ lực tái lập quyền lực ở các thành phố bị chiếm giữ”. Nghị quyết thừa nhận, chính quyền Kiev có “quyền hợp pháp” mở các chiến dịch quân sự quy mô lớn để “duy trì thống nhất lãnh thổ”.


Bên kia bờ Đại Tây Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo, Nhà Trắng đã thông qua quyết định hỗ trợ quân sự phi sát thương đối với Ukraine. Cùng thời điểm, tại các cuộc điện đàm song phương, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama thống nhất rằng Mỹ và EU cần tiếp tục chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong trường hợp không xuất hiện các bước tiến đạt được “trên thực địa”.


Kiev hoàn tất dự thảo về ân xá


Ngày 18/4, quyền Thủ tướng Ukraine, Arseniy Yatseniuk, tuyên bố Kiev đã hoàn tất dự thảo về ân xá, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người biểu tình ở miền đông-nam nếu họ tự nguyện hạ vũ khí và rời khỏi các tòa nhà chính quyền đang chiếm giữ.

Thỏa thuận Geneva đề cập đến những điểm chính sau:

1/ Tất cả các bên phải tránh các hành động bạo lực, đe dọa hoặc khiêu khích;

2/ Tiến hành giải giáp tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp; người biểu tình phải rời khỏi các trụ sở chính quyền, công trình công cộng;

3/ Sẽ ân xá cho những người biểu tình tự nguyện giao nộp vũ khí và rời khỏi các khu vực này;

4/ Thực thi tiến trình cải cách hiến pháp toàn diện, minh bạch, có trách nhiệm.


Tại phiên họp nội các bất thường tối 17/4, ông Yatseniuk cũng chỉ thị cho các các bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan hành pháp, chính quyền khu vực và thành phố Kiev phải hoàn tất tiến trình thảo luận sửa đổi hiến pháp trước thời hạn chót là ngày 1/10, với điểm mấu chốt nhất là phân quyền trung ương, tăng quyền lực cho chính quyền địa phương.


Trước đó, vào đêm 17/4, sau hơn 7 tiếng thảo luận, các đại diện của Mỹ, Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.


Đây được xem là diễn biến tích cực, tương đối bất ngờ so với những tuyên bố của các bên trước khi nhóm họp tại Geneva, Thụy Sĩ. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được, cho rằng việc thực thi các điều khoản cam kết sẽ góp phần xử lý căn bản cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này. Ông Ban Ki-moon đồng thời khẳng định đối thoại xây dựng giữa các bên là con đường duy nhất đưa đến một giải pháp hòa bình.


Hoài Thanh

Nga xác nhận triển khai quân gần biên giới Ukraine
Nga xác nhận triển khai quân gần biên giới Ukraine

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 18/4 xác nhận Nga đã tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biên giới giáp Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN