Các bên đã có phản ứng khác nhau sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 12/12 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn vì lý do nhân đạo ngay lập tức ở Dải Gaza.
Theo kênh CNN, cuộc bỏ phiếu ngày 12/12 được Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour ca ngợi là lịch sử. Ông Mansour bình luận rằng nghị quyết không kêu gọi hay thúc đẩy mà yêu cầu ngừng bắn. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi thấy Israel tuân thủ yêu cầu này”. Ông nói thêm rằng lệnh ngừng bắn là cần thiết để vận chuyển số lượng lớn hỗ trợ nhân đạo cần thiết cho dân thường bị bao vây ở Gaza.
Trong một tuyên bố ngắn, Izzat Al-Rishq, một thành viên của cơ quan chính trị Hamas, hoan nghênh nghị quyết này và lên án cuộc chiến nhằm vào người Palestine.
Về phần mình, Israel cho biết họ sẽ không ngừng chiến dịch quân sự cho đến khi tiêu diệt được nhóm Hamas.
Trước cuộc bỏ phiếu ngày 12/12, Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan đã mô tả nghị quyết này là một nỗ lực đáng hổ thẹn nhằm trói tay Israel, đồng thời cảnh báo rằng tiếp tục hoạt động ở Gaza là cách duy nhất để thả tự do cho con tin.
Israel đã bác bỏ những lời kêu gọi ngừng bắn trước đó, mặc dù nước này đã đồng ý tạm ngừng giao tranh 7 ngày để trao đổi các con tin Israel bị giữ ở Gaza và tù nhân Palestine.
Israel đã bỏ phiếu chống nghị quyết ngày 12/12 cùng với Mỹ, Papua New Guinea, Paraguay, Áo, Cộng hòa Séc, Guatemala, Liberia, Micronesia và Nauru.
Trước đó, khai mạc phiên họp khẩn cấp vào chiều 12/12, Chủ tịch Đại hội đồng Dennis Francis cho biết: “Chúng tôi có một ưu tiên duy nhất, chỉ một ưu tiên là cứu mạng sống”. Ông cảnh báo rằng dân thường ở Gaza không có nơi nào an toàn để tránh cuộc giao tranh và các cuộc oanh tạc trên không.
Ông nói: “Ngay cả chiến tranh cũng có quy tắc và điều bắt buộc là chúng ta phải ngăn chặn hành vi đi chệch khỏi những nguyên tắc và giá trị này”.
Các quan chức Liên hợp quốc cảnh báo rằng khi cơ sở hạ tầng quan trọng bị biến thành đống đổ nát và khả năng tiếp cận nước, thuốc men và thực phẩm bị hạn chế, nhiều thường dân ở Gaza có thể chết vì bệnh tật hơn là do bom và tên lửa. Nạn đói đang là một vấn đề ngày càng gia tăng ở khu vực này.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nói rằng Mỹ đồng ý rằng tình hình nhân đạo ở Gaza rất nghiêm trọng… và dân thường phải được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế, nhưng kêu gọi các quốc gia ủng hộ sửa đổi nghị quyết theo hướng lên án Hamas. Tuy nhiên, yêu cầu này không được thông qua.
Bà nói: “Khả năng tốt nhất là lệnh ngừng bắn ngay bây giờ sẽ chỉ là tạm thời và khả năng xấu nhất là sẽ gây nguy hiểm. Nguy hiểm đối với người Israel, những người sẽ phải chịu những cuộc tấn công không ngừng nghỉ, và cũng nguy hiểm đối với người Palestine, những người xứng đáng có cơ hội xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mình, thoát khỏi một nhóm ẩn náu sau những thường dân vô tội”.
Trong khi đó, Canada đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, trong đó Thủ tướng Justin Trudeau đưa ra tuyên bố chung với các nhà lãnh đạo Australia và New Zealand để ủng hộ những nỗ lực quốc tế khẩn cấp hướng tới một lệnh ngừng bắn bền vững.
Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho biết các quan chức Australia đã làm việc với các quan chức Canada một thời gian về vấn đề này và gần đây hơn là với chính phủ mới của New Zealand. Bà nói: “Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là các đồng minh rất thân thiết và các quốc gia có cùng chí hướng phải cùng nhau lên tiếng ủng hộ quan điểm mà chúng tôi đã nêu rõ”.
Đại sứ Canada tại Liên hợp quốc Bob Rae kêu gọi Hamas hạ vũ khí và ngừng sử dụng dân thường làm lá chắn sống. Ông nói thêm: “Cái giá để đánh bại Hamas không thể là gây đau khổ liên tục cho người dân Palestine”.
Mặc dù cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị và được coi là có sức nặng đạo đức nhưng nghị quyết này không có tính ràng buộc, khác với nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Tuần trước, Mỹ đã phủ quyết một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Hội đồng Bảo an. Nghị quyết này đã được đa số trong 15 thành viên Hội đồng Bảo an chấp thuận.
Nghị quyết của Đại hội đồng kêu gọi ngừng bắn, yêu cầu tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và cho phép tiếp cận các con tin cũng như trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho họ. Đáng chú ý là nghị quyết này có ngôn ngữ mạnh mẽ hơn nghị quyết được bỏ phiếu hồi tháng 10 tại Đại hội đồng để kêu gọi thỏa thuận ngừng bắn bền vững vì lý do nhân đạo.
Nghị quyết này do Ai Cập, đại diện cho nhóm các quốc gia Arab, bảo trợ. Tổng cộng nghị quyết này nhận được 153 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 23 phiếu trắng.
Đại sứ Ai Cập Osama Mahmoud Abdelkhalek Mahmoud cho biết nghị quyết nói trên rất đơn giản, rõ ràng và có 4 nội dung. Ông nói: “Hệ thống y tế, hỗ trợ nhân đạo đang bị hủy hoại ở Gaza… Việc thông qua và thực thi nghị quyết này chỉ nhằm bảo vệ tính mạng cho thường dân vô tội”. Theo ông Abdelkhalek Mahmoud, nhóm các nước Arab tin rằng nỗ lực của một nhóm nhỏ quốc gia đi ngược lại lập trường chung của cộng đồng quốc tế dựa trên khái niệm rằng Israel có quyền tự vệ, song rõ ràng đây là trường hợp điển hình về tiêu chuẩn kép và Israel không có quyền đó. Đại sứ Ai Cập nhấn mạnh các tội ác chiến tranh nhằm vào người dân Palestine cần phải chấm dứt.