Các nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine vẫn đang được xúc tiến khi thủ đô Kiev của nước này trở thành "điểm đến" thu hút quan chức từ nhiều nước. Hiện đại diện đặc biệt của Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) về vấn đề Ukraine Tim Guldimann, đặc phái viên của Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Jeroen Schuckenbrock và Ngoại trưởng Bungaria Kristian Vigenin đang có mặt tại Kiev. Hai tàu Nga ở Địa Trung Hải được lệnh trở về Biển Đen. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 5/3, ngoại trưởng hai nước Thụy Điển và Đan Mạch cũng có kế hoạch tới Kiev. Trong khi đó, đặc phái viên Liên hợp quốc Robert Serry ngày 4/3 đã rời Kiev tới CH tự trị Crưm(Crimea) nhằm đánh giá tình hình tại đây.
Trong ngày 4/3, ngoài cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận tình hình Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tiến hành điện đàm, trong đó hai bên cho rằng điều quan trọng để giảm căng thẳng tại Ukraine là khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine.
Tại Ukraine, Phó Tổng Thư ký thứ nhất Liên hợp quốc Jan Eliasson ngày 4/3 đã gặp Tổng thống tạm quyền Ukraine Alexandre Turchinov và Thủ tướng tạm quyền Arseny Yasenyuk. Đại diện LHQ đã nhấn mạnh tầm quan trọng giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay bằng biện pháp hòa bình và cần tôn trọng quyền của tất cả người dân.
Cùng ngày 4/3, OSCE cho biết đã thông qua quyết định gửi các quan sát viên quân sự tới theo dõi tình hình Ukraine theo đề nghị của chính quyền Kiev vào ngày 5/3.
Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga, Phó Đô đốc Alexandre Vitko và Thị trưởng Sevastopol Alexei Chalyi ngày 4/3 đã tới Bộ Tư lệnh Hải quân Ukraine và thảo luận với Tư lệnh Hải quân Ukraine Sergei Gaiduk. Các đội tự vệ Sevastopol vẫn tiếp canh gác bên ngoài Ban Tham mưu Hải quân Ukraine.
Hãng thông tấn Nga Itar-tass ngày 4/3 dẫn một số nguồn tin, cho biết một nhóm các chuyên gia phương Tây bắt đầu hoạt động tại Kiev để chuẩn bị đưa ra các thông tin gây kích động, trong đó có việc loan tin về khả năng xảy ra các hoạt động quân sự ở khu vực giáp giới với Nga, từ đó kích động người dân di chuyển về trung tâm và khu vực phía tây Ukraine.
Trong khi đó, các phần tử cực đoan tại phía tây Ukraine tới những gia đình có người thân làm việc ở Nga, đe dọa họ phải gọi người thân rời khỏi nước Nga. Nhóm chuyên gia này cũng đưa ra đề xuất gây áp lực với các nhà báo Nga tác nghiệp tại Ukraine.
TTXVN/Tin tức