Theo kế hoạch, kể từ 9 giờ ngày 9/12 (14 giờ Hà Nội), một lệnh ngừng bắn đầy đủ sẽ có hiệu lực tại miền Đông-Nam Ukraine. Hiện các bên xung đột đều hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ thực sự được tuân thủ sau nhiều lần bị vi phạm, đặc biệt là trong bối cảnh chính quyền Kiev đã thừa nhận vai trò đàm phán chấm dứt xung đột của đại diện miền Đông-Nam, cũng như chờ đợi cuộc gặp tiếp theo của Nhóm tiếp xúc giải quyết xung đột Ukraine, dự kiến sẽ diễn ra cùng ngày tại thủ đô Minsk của Belarus.Binh sĩ Ukraine chuẩn bị bắn đạn pháo nhằm vào lực lượng li khai tại làng Pisky, gần sân bay Donetsk ngày 5/12. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Sáng kiến ngừng bắn mới đạt được hôm 4/12 này hiện được các bên tuyên bố ủng hộ. Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine Andrey Lysenko, "ngày không tiếng súng" được ban bố để khởi động thực hiện thỏa thuận Minsk, bao gồm rút vũ khí hạng nặng khỏi vùng giáp ranh phi quân sự, trả tự do cho các tù binh, dỡ bỏ các hàng rào mìn và tiến hành phân định ranh giới các khu vực.
Ngày 8/12, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak cũng tuyên bố đã "sẵn sàng" để tuân thủ lệnh ngừng bắn đầy đủ. Tuy nhiên, ông Lysenko xác nhận, lệnh rút quân đội khỏi vùng giáp ranh tại Đông-Nam sẽ chỉ được đưa ra tùy theo kết quả đàm phán tại Minsk.
Trước đó, người đứng đầu Cục điều tra Cơ quan An ninh Ukraine Vasili Vovk tuyên bố bất chấp những tuyên bố không công nhận, nhưng phía Ukraine phải đàm phán với lãnh đạo hai CHND tự xưng Donetsk và Lugansk vì họ "đại diện cho 4 triệu người dân".
Về phần mình, đại diện CHND tự xưng Donetsk, ông Denis Pushilin cho biết Donetsk rất lạc quan về "ngày không tiếng súng" và hy vọng một sự hòa giải sẽ đến.
Trong lúc này, khả năng Nhóm tiếp xúc về Ukraine nhóm họp tại Minsk vào ngày 9/12 vẫn còn để ngỏ. Hiện các bên chưa thống nhất được với nhau về các vấn đề sẽ thảo luận, cụ thể là Kiev tháo dỡ các phong tỏa kinh tế đối với Donetsk và Lugansk, luật về quy chế đặc biệt cho hai vùng này và luật ân xá cho những người tham gia chiến sự ở miền Đông-Nam.
Thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên giữa chính quyền Kiev và hai nước Cộng hòa tự xưng kể trên được ký kết lần đầu tiên ngày 5/9 tại Minsk. Văn kiện được Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Liên hợp quốc (LHQ) hoan nghênh. Nhưng trên thực tế, lệnh ngừng bắn đã bị vi phạm chỉ vài giờ sau khi được ký kết.
Kể từ đó, hàng ngày đều có thông tin về dân thường thiệt mạng, hai bên liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn và sử dụng vũ khí hạng nặng cũng như sát thương cao trong chiến sự. Theo con số thống kê của LHQ, khoảng 1.000 người đã thiệt mạng kể từ sau lệnh ngừng bắn, nâng tổng số thương vong trong 8 tháng xung đột vũ trang ở Ukraine lên 4.300 người.
TTXVN/Tin Tức