Virus hoạt động khó đoán
Theo kênh CNBC, cúm mùa là một ví dụ. Giai đoạn mùa đông năm 2020 và 2021 là các giai đoạn mà dịch cúm mùa bùng phát nhẹ nhất, xét cả về số người chết và số người nhập viện. Tuy nhiên, các ca mắc cúm mùa đã tăng lên vào tháng 2, tăng cao hơn nữa vào mùa xuân và mùa hè khi các biện pháp phòng chống COVID-19 được bãi bỏ.
Tiến sĩ Scott Roberts, Phó giám đốc y tế phòng chống bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Yale New Haven (Mỹ), nói với CNBC ngày 8/6: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy mùa cúm ở Mỹ kéo dài đến tháng 6. COVID-19 rõ ràng đã có tác động rất lớn đến điều đó. Bây giờ mọi người đã không đeo khẩu trang, nhiều nơi đang mở cửa lại, chúng ta đang thấy virus hoạt động rất kỳ lạ mà trước đây chưa từng như vậy”.
Virus cúm chỉ là ví dụ khởi đầu. Tiếp đó còn virus hợp bào hô hấp - một loại virus giống như cảm lạnh thường gặp trong những tháng mùa đông. Virus này đã hoạt động mạnh vào mùa hè năm ngoái khi số ca bệnh gia tăng ở trẻ em tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Sau đó, vào tháng 1, một đợt bùng phát adenovirus 41 – loại virus thường gây ra bệnh đường tiêu hóa – dường như đã trở thành nguyên nhân rõ ràng gây căn bệnh gan nghiêm trọng và bí ẩn ở trẻ nhỏ.
Bang Washington của Mỹ đã trải qua đợt bùng phát bệnh lao tồi tệ nhất trong 20 năm.
Hiện nay, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ gần đây, một bệnh nhiễm virus hiếm gặp thường thấy ở Trung và Tây Phi, đang gây khó khăn cho các chuyên gia y tế với hơn 1.000 ca mắc được xác nhận và nghi ngờ xuất hiện ở 29 quốc gia không có dịch bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết ít nhất hai biến thể đậu mùa khỉ khác biệt về mặt di truyền đang lưu hành ở Mỹ có khả năng xuất phát từ hai đợt lây lan khác nhau từ động vật sang người.
Đầu tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới đã lưu ý rằng loại virus đậu mùa khỉ này có thể không bị phát hiện trong xã hội trong vài tháng hoặc có thể là một vài năm. Ông Robert nói: “Hai chủng có thể cho thấy quá trình lây lan đã diễn ra lâu hơn chúng ta nghĩ lúc đầu”. Ông lưu ý rằng những tuần tới sẽ cho chúng ta biết về tiến trình của virus vốn có thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày.
Hiện vẫn chưa rõ liệu virus giống bệnh đậu mùa có bị đột biến hay không, mặc dù các chuyên gia y tế đã báo cáo rằng virus này đang hoạt động theo những cách mới và không điển hình. Đáng chú ý nhất, virus dường như đang lây lan trong cộng đồng - phổ biến nhất là qua đường tình dục – chứ không phải lây lan khi đi tới những nơi thường có virus.
Các triệu chứng cũng đang xuất hiện bất thường. Ông Roberts cho biết: “Các bệnh nhân có biểu hiện khác với những gì chúng tôi đã biết trước đây”. Ông lưu ý rằng một số bệnh nhân bị nhiễm bệnh không có các triệu chứng ban đầu giống như cúm mà ngay lập tức phát ban và các tổn thương, đặc biệt và bất thường trên bộ phận sinh dục và hậu môn.
Ông nói: “Có rất nhiều điều chưa biết khiến tôi băn khoăn. Chúng tôi đang thấy những hành vi rất không điển hình của một số loại virus”.
Biện pháp phòng chống COVID-19 làm giảm phơi nhiễm, giảm miễn dịch
Một lời giải thích cho hiện tượng trên là các biện pháp phòng chống COVID-19 và thói quen đeo khẩu trang đã khiến virus gây các bệnh truyền nhiễm khác khó lây lan theo cách bình thường trước đây.
Ở những nơi mà các virus có thể lọt qua các biện pháp phòng chống, chúng thường bị bỏ sót vì việc giám sát sức khỏe cộng đồng chủ yếu tập trung vào đại dịch COVID-19.
Đó chính là trường hợp bùng phát bệnh lao ở Washington. Do COVID-19 mà các ca bệnh lao không được chẩn đoán.
Giờ đây, khi không còn các biện pháp phòng chống COVID-19, các virus tạm thoái lui nay đã tìm thấy một nơi sinh sản màu mỡ trong các vật chủ mới “thèm khát” giao tiếp xã hội và đi lại.
Tháng trước, một cố vấn chính của WHO cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ gần đây được cho là xuất phát từ hai sự kiện đông người ở châu Âu.
Trong khi đó, hai năm giảm tiếp xúc do COVID-19 đã làm giảm khả năng miễn dịch của cá nhân đối với bệnh tật và làm cho toàn xã hội dễ bị tổn thương hơn. Điều đó đặc biệt đúng đối với trẻ nhỏ.
Nhiều trẻ em bị lỡ thời điểm tiêm chủng
Điều đó có thể giải thích cho tình trạng gia tăng các ca viêm gan cấp tính nghiêm trọng bí ẩn ở trẻ em.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cũng bày tỏ lo ngại rằng các đợt phong tỏa có thể khiến nhiều trẻ em bỏ lỡ các lần tiêm chủng, có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine khác như sởi và ho gà.
Bà Jennifer Horney, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Delaware, nói với CNBC: “Để ngăn chặn các bệnh này gia tăng, cần có các chiến dịch tiêm chủng tăng tốc trên toàn cầu.
Cần tránh “giám sát thiên lệch”
Sau đại dịch COVID-19, nhận thức và quá trình giám sát các vấn đề sức khỏe cộng đồng cũng được nâng cao.
Các hệ thống y tế công cộng được thiết lập để xác định COVID-19 cũng đã giúp chẩn đoán các bệnh khác.
Giáo sư Eyal Leshem, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Sheba, đồng ý với ý kiến trên: “Người dân nói chung và các phương tiện truyền thông đã quan tâm hơn nhiều đến các đợt bùng phát dịch bệnh từ động vật và các bệnh truyền nhiễm”.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về tình trạng “giám sát thiên lệch”, theo đó các cá nhân và chuyên gia y tế có nhiều khả năng báo cáo các ca bệnh hơn. Điều đó khiến người ta cảm thấy rằng một số loại virus, chẳng hạn như bệnh đậu mùa khỉ, có thể đang phát triển gia tăng, trong khi thực tế trước đó ít người báo cáo các ca bệnh này.
Ông Leshem nói: “Không phải căn bệnh này phổ biến hơn mà là nó được chú ý nhiều hơn”.
Tuy nhiên, tăng cường giám sát các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm không phải là điều xấu. Khi mà các virus lây lan và đột biến ngày càng nhiều thì càng hiểu biết về bản chất của các dịch bệnh càng tốt.