Hàng loạt chính phủ đang dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát virus SARS-CoV-2 còn sót lại cuối cùng với mong muốn thiết lập lại nhịp sống sau hai năm biến động vì dịch bệnh. Ngay cả nước Đức vốn chậm rãi cũng đang có kế hoạch dỡ bỏ hạn chế trong tuần này, bất chấp tình hình số ca mắc mới hàng ngày cao kỷ lục.
Giới chức y tế các nước luôn cảnh báo rằng virus SARS-CoV-2 là một phần thực tế không thể xóa bỏ trong cuộc sống của chúng ta. Bởi lẽ, chủng virus này vẫn đang lưu hành và có khả năng xuất hiện thêm các biến thể nguy hiểm mới, hay nguy cơ tiềm ẩn từ một đợt bùng phát đột biến theo mùa khác.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học chính tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói rằng sẽ thật dại dột nếu như từ bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa ngay bây giờ.
Trên thực tế, ngoại trừ Trung Quốc là quốc gia đang theo đuổi chiến lược “Không COVID-19”, các quốc gia khó có thể bảo toàn tuyệt đối các biện pháp hạn chế chặt chễ sau hai năm chúng khiến mọi thứ, từ công việc đến mua sắm và đi lại, bị gián đoạn.
Một số biện pháp nghiêm ngặt nhất, chẳng hạn như phong tỏa, đã đẩy phần lớn doanh nghiệp vào tình thế nguy hiểm, khiến người lao động mất việc làm cũng như buộc chính phủ phải kích hoạt các khoản vay lớn để thúc đẩy nền kinh tế. Nó cũng gây ra nhiều vấn đề khác ngoài thiệt hại kinh tế. Gần 6 triệu người đã tử vong vì COVID-19.
Trận chiến chống lại virus SARS-CoV-2 cũng gây ra một cuộc chiến chống lại khoa học. Nó thúc đẩy các cuộc biểu tình giống như làn sóng “đoàn xe tự do” ở Canada phản đối quy định bắt buộc tiêm vaccine đối với lái xe.
Tiến sĩ Swaminathan phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg: “Thật đáng thất vọng khi phải chứng kiến cuộc tấn công nhằm vào các nhà khoa học và khoa học. Nó trở nên mạnh hơn trong thời dịch và có khả năng gây ra nhiều thiệt hại”.
Ở Nam Phi, nơi biến thể Omicron lần đầu tiên được xác định trước khi lan truyền khắp thế giới, các quy tắc về tự cách ly đã bị loại bỏ.
Ở châu Âu, Thủ tướng Boris Johnson đã đẩy nhanh các kế hoạch về nới lỏng trong tuần này khi thông báo rằng các biện pháp hạn chế cuối cùng của Anh sẽ kết thúc vào cuối tháng 2. Na Uy và Đan Mạch đã bãi bỏ hầu hết các hạn chế.
Đáng chú ý, Anh là một ví dụ điển hình về nhiều yếu tố đang diễn ra, đồng thời là lý do tại sao một số người lo lắng rằng các chính phủ đang hành động quá nhanh.
Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Anh là trên 80%, hơn một nửa dân số đã được tiêm liều tăng cường và số ca nhập viện đã giảm mạnh kể từ mức cao điểm tháng 12/2021. Nhưng gắn liền với động thái mở cửa toàn bộ chính là những cáo buộc cho rằng chính quyền của Thủ tướng Boris Johnson làm như vậy để cố gắng xoa dịu bê bôi vi phạm quy định chống dịch COVID-19 của ông.
Giới phân tích cho rằng trong khi các chính phủ hứa hẹn về “sự tự do” của bình thường mới để củng cố niềm tin cử tri, nhiều người vẫn bị bất bình về những quy định liên quan đến tiêm chủng. Pháp có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình tương tự như ở Canada, vốn đang gây thiệt hại nặng đến hoạt động kinh doanh.
Giới chuyên gia y tế cộng đồng lo ngại các chính trị gia sẽ bỏ quên những bài học trong hai năm khủng hoảng vừa qua, đặc biệt là tình trạng áp đặt rồi lại dỡ bỏ những biện pháp hạn chế có thể khiến họ bị chệch hướng nếu làn sóng bùng phát mới xảy ra.
Theo Tiến sĩ Richard Hatchett, người đứng đầu Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng Dịch bệnh có trụ sở tại Oslo, các nhà chức trách cần phải sẵn sàng đối phó với tương lai khó đoán định của các biến thể mới, khả năng lây nhiễm đột biến sau tiêm vaccine và nguy cơ xảy ra các đại dịch trong tương lai.
Là cựu cố vấn Nhà Trắng, Tiến sĩ Hatchett cho biết: “Công chúng cần được nới lỏng sau khi đợt bùng phát do biến thể Omicron giảm xuống, nhưng các chính phủ đương nhiệm đừng quên rằng chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.
Mở rộng xét nghiệm tại nhà, cải thiện hệ thống thông gió trong các tòa nhà công cộng, tăng cường theo dõi các biến thể cũng như phát triển vaccine và thuốc điều trị tốt hơn... là những yếu tố đề phòng cần thiết.
Tiến sĩ Hatchett cho rằng: “Điểm mấu chốt là từ góc độ chính phủ, từ góc độ quản lý rủi ro, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho một kịch bản xấu”.