Theo thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể phát hiện đầu tiên tại Anh đã xuất hiện tại hơn 70 quốc gia trong khi biến thể từ Nam Phi đã lan ra hơn 30 nước.
WHO cho biết biến thể phát hiện tại Anh có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể hiện tại và đã lan ra thêm 10 quốc gia chỉ trong tuần qua. Trong khi biến thể từ Nam Phi, đã lan ra thêm 8 quốc gia trong cùng thời gian này.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy biến thể từ Nam Phi lây nhiễm chậm hơn đối với những người có kháng thể. Ngoài ra, một biến thể mới nhất phát hiện tại Brazil cũng đã lây lan ra 8 quốc gia trong vòng 2 tuần qua.
Nhằm ngăn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan, hôm qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố các biện pháp kiểm soát đi lại mới. Theo đó, các du khách tới từ khoảng 30 nước có nguy cơ cao mắc COVID-19 sẽ phải cách ly trong 10 ngày tại các cơ sở do chính phủ chỉ định.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong bài phát biểu trực tuyến ngày 27/1 tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2021 (WEF) diễn ra tại Thụy Sĩ, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh đại dịch COVID-19 có thể kéo dài và cần phải có các biện pháp mới để ứng phó.
Theo dự báo của nhà lãnh đạo Nga, trên thế giới sẽ có "những ổ dịch không thể kiểm soát" vì khả năng lây nhiễm là không có giới hạn. Theo nhà lãnh đạo Nga, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến cục diện quốc tế và làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột.
Ngoài ra, Tổng thống Putin lưu ý rằng do kết quả của toàn cầu hóa, thu nhập tại các nước phát triển tập trung vào tay 1% dân số, trong khi tất cả những người khác trở nên nghèo hơn. Tổng thống Nga đưa ra đánh giá rằng trong hơn 30 năm qua ở một số nước phát triển, thu nhập thực tế của hơn một nửa số người dân không tăng, trong khi giáo dục và thuốc men đều tăng giá.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, biến thể mới của SARS-CoV-2 ở bang miền Bắc Manaus, thuộc vùng Amazon Brazil, lần đầu tiên được phát hiện tại Nhật Bản hồi đầu tháng 1 sau khi một số người từ Brazil đến Nhật Bản, hiện đã trở thành biến thể virus gây bệnh cho đa số các ca nhiễm tại bang này.
Trả lời hãng tin AFP, người đứng đầu nhóm các nhà nghiên cứu về các biến thể của SARS-CoV-2 tại bang Manaus, Felipe Naveca cho biết biến thể mới này đang "thống trị" Manaus bởi nó xuất hiện trong 51% các mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm kể từ tháng 12, tới thời điểm ngày 13/1, tỷ lệ các ca nhiễm biến thể này là 91%.
Nhà khoa học Brazil khẳng định biến thể mới này của SARS-CoV-2 đang lan rộng khắp nội địa bang Manaus, có mặt tại 11 trên 13 thành phố của bang.
Ông Naveca cảnh báo, mọi dấu hiệu đã chứng minh rằng chủng virus mới này dễ lây lan hơn bởi nó có những đột biến gây ra sự lây nhiễm còn lớn hơn các biến thể tại Anh và Nam Phi và điều này đã được chứng minh qua tỷ lệ người nhiễm bệnh.
Biến thể mới của Brazil được gọi tên là Brazil P.1. Cũng theo nhà khoa học Naveca, Brazil P.1 là một dạng đột biến gen của "một trong 18 họ" của virus SARS-CoV-2 lưu hành tại bang Amazon kể từ đầu đại dịch, và ngày càng lây lan mạnh trong nửa cuối năm 2020.
Nhà nghiên cứu giải thích rằng cho tới nay, các dữ liệu thu thập được không đủ để chứng minh nó là nguyên nhân gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn so với phiên bản gốc, song các nhà chức trách không loại trừ khả năng sự lây lan của nó có liên quan đến sự bùng nổ về số ca tử vong và lây nhiễm tại bang Amazon trong thời gian qua.
Hôm 26/1, 3 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể này đã được phát hiện ở bang Sao Paulo, đông dân nhất ở Brazil. Trong khi đó, WHO cũng cho biết biến thể Brazil P.1 đã xuất hiện tại 8 quốc gia. Brazil tới nay đã ghi nhận gần 9 triệu ca nhiễm và 219.000 ca tử vong do dịch COVID-19, xếp thứ 2 hai chỉ sau Mỹ.